Tiếp theo phần 1 về các khoản mục Nợ của Doanh nghiệp dưới góc nhìn của Warren Buffett, trong bài này chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu nốt các mục còn lại trong phần nợ của doanh nghiệp.
Nợ dài hạn đến hạn và các rủi ro có thể xảy ra
Phần này liên quan đến khoản nợ dài hạn sẽ đến hạn và phải được trả hết trong năm hiện tại. Nợ dài hạn không phải là một nợ hiện hành hàng năm đối với hầu hết doanh nghiệp. Tuy nhiên, một vài tập đoàn rất lớn cũng có một phần nợ dài hạn đến hạn trên cơ sở hàng năm. Vấn đề có thể xảy ra khi một số công ty gộp chung phần này với nợ ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán, tạo ra ảo tưởng rằng công ty có nhiều nợ ngắn hạn hơn thực tế.
Thông thường, các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững ít cần hoặc không cần vay nợ dài hạn để duy trì hoạt động kinh doanh, và do đó cũng ít có hoặc không có nợ dài hạn đến hạn. Vì vậy, nếu chúng ta đang giao dịch với một công ty có nhiều nợ dài hạn đến hạn thì có lẽ đó không phải là một công ty có lợi thế cạnh tranh dài hạn.
Bất cứ khi nào chúng ta mua vào một công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững nhưng đã vượt qua nhũng thời điểm khó khăn do có một sự kiện giải quyết được trong một lần – ví dụ như có công ty con thuộc một ngành khác đang thiếu tiền mặt – thì tốt nhất là bạn hãy kiểm tra xem công ty có bao nhiêu nợ dài hạn đến hạn trong năm tới đây. Việc có quá nhiều nợ đến hạn trong một năm có thể làm các nhà đầu tư lo ngại, điều đó sẽ giúp chúng ta có thể mua vào với giá thấp hơn.
Với một công ty tầm thường đang gặp những vấn đề nghiêm trọng, việc có quá nhiều nợ đến hạn trong một năm có thể làm nảy sinh các vấn đề về dòng tiền và sự phá sản, chắn chắn đó cũng là cái chết tất yếu cho khoản đầu tư của chúng ta.
Và việc có những khoản đầu tư đang chết dần chết mòn không phải là cách chúng ta làm giàu.
Tổng nợ hiện hành và hệ số thanh toán hiện hành
Chúng ta có thể xác định tính thanh khoản của công ty bằng các lấy Tổng tài sản lưu động chia cho Tổng nợ hiện hành. Hệ số thanh toán hiện hành càng cao thì công ty càng có tính thanh khoản và khả năng thanh toán nợ hiện hành khi đến hạn càng lớn. Hệ số này lớn hơn 1 được xem là tốt, và ngược lại. Nếu hệ số này dưới 1, người ta có thể nghĩ là công ty đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ ngắn hạn đối với các chủ nợ.
Như chúng ta đã thảo luận trong những bài trước thì các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững thường có các hệ số thanh toán hiện hành dưới 1. Nguyên nhân của sự bất thường này là do lợi thế cạnh tranh bền vững có khả năng tạo lợi nhuận lớn. Nói tóm lại, với các công ty đó, bạn có một bức tranh kinh tế hiện thời không đòi hỏi phải có “tấm đệm thanh khoản” như một công ty với nhu cầu kinh tế nghèo nàn hơn cần phải có. Trong khi hệ số thanh toán hiện hành đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định tính thanh khoản của một doanh nghiệp với quy mô nhỏ hoặc vừa, thì nó lại không đóng góp vai trò tích cực trong việc cho chúng ta biết một công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững hay không.
Nợ dài hạn: Các công ty có tài chính vững mạnh không có nhiều khoản này
Nợ dài hạn là khoản nợ đến hạn vào bất cứ lúc nào sau một năm và được ghi nhận trong phần các nghĩa vụ dài hạn. Nếu khoản nợ đến hạn trong vòng một năm thì đó là nợ ngắn hạn và thuộc về các nghĩa vụ ngắn hạn của công ty. Trong cuộc tìm kiếm doanh nghiệp tuyệt vời có một lợi thế cạnh tranh dài hạn của Warren, lượng nợ dài hạn trong sổ sách công ty đã cho ông biết khá nhiều về tình trạng kinh tế của doanh nghiệp.
Warren cũng đã biết rằng các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững thường ít có hoặc không có nợ dài hạn trên bảng cân đối kế toán. Đó là vì các công ty này có lợi nhuận cao nên họ có thể tự tài trợ khi cần mở rộng kinh doanh hay mua lại công ty khác, vì vậy không bao giờ cần vay một số tiền lớn.
Vậy một trong những cách giúp chúng ta xác định doanh nghiệp ngoại hạng là kiểm tra xem doanh nghiệp đó có bao nhiêu nợ dài hạn trên bảng cân đối kế toán. Chúng ta không chỉ quan tâm đến năm hiện tại mà còn muốn nhìn thấy số nợ dài hạn mà công ty đã có trong mười năm vừa qua. Nếu công ty đã có mười năm hoạt động với ít hoặc không có nợ dài hạn trên bảng cân đối kế toán, thì có rất nhiều khả năng là công ty có một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ nào đó và đang kinh doanh trong lĩnh vực quen thuộc.
Những đợt mua cổ phiếu mang tính lịch sử của Warren cho thấy rằng công ty nên có lợi nhuận thuần hàng năm ở một năm bất kỳ đủ để trả tất cả nợ dài hạn trong ba hay bốn năm. Các công ty có liojw thế cạnh tranh dài hạn như Coca-Cola và Moody’s có thể trả toàn bộ nợ dài hạn trong một năm, Wrigley và The Washington Post có thể làm điều đó trong hai năm.
Nhưng các công ty như GM và Ford, vốn đều thuộc ngành sản xuất ô tô có tính cạnh tranh cao, có thể đã chi đến xu lợi nhuận thuần cuối cùng kiếm được trong mười năm qua mà vẫn chưa trả hết số tiền nợ dài hạn khổng lồ hiện có trên các bảng cân đối kế toán.
Kết luận ở đây là các công ty có đủ khả năng tạo lợi nhuận để trả hết nợ dài hạn chỉ trong dưới ba hay bốn năm chính là những ứng cử viên tốt cho cuộc tìm kiếm doanh nghiệp tuyệt vời có lợi thế cạnh tranh dài hạn.
Nhưng hãy lưu ý: Vì các công ty này kinh doanh rất có lời và ít có hoặc không có nợ nên thường là mục tiêu của các thương vụ sử dụng nợ vay để mua lại. Đó là khi công ty đi mua vay mượn số tiền rất lớn dựa trên dòng tiền của công ty bị mua để tài trợ thương vụ này. Sau vụ mua bán sáp nhập đó, công ty sẽ phải gánh một số nợ lớn. Đây chính là trường hợp của vụ sát nhập RJR/Nabisco vào cuối thập niên 1980.
Nếu tất cả những chỉ tiêu khác cho thấy doanh nghiệp đang được xem xét có lợi thế cạnh tranh bền vững, nhưng công ty lại có rất nhiều nợ trên bảng cân đối kế toán thì có thể là nợ đã được tạo ra từ một thương vụ sử dụng nợ vay để mua lại công ty. Trong những trường hợp như vậy, việc phát hành trái phiếu công ty thường là lựa chọn tốt hơn, vì nếu sử dụng cách đi vay nợ thì công ty sẽ tập trung khả năng tạo lợi nhuận để thanh toán hết nợ chứ không phát triển công ty.
Nguyên tắc ở đây khá đơn giản: Công ty ít có hoặc không có nợ dài hạn thường là một vụ làm ăn dài hạn tốt đẹp.
Qua 2 phần nội dụng về các khoản mục Nợ của Doanh nghiệp dưới góc nhìn của Warren Buffett, hẳn đã phần nào giúp Nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan hơn về Doanh nghiệp kèm các khoản nợ cần lưu ý. Chúc Nhà đầu tư tìm được Doanh nghiệp đầu tư thành công.