Danh mục Menu

Tiêu chí lựa chọn Cổ phiếu và Đầu tư giá trị của Benjamin Graham

Benjamin Graham (8/5/1894 – 21/9/1976) là một nhà kinh tế học, doanh nhân và là nhà đầu tư nổi tiếng và chuyên nghiệp người Anh-Mỹ. Ông được coi là người khai sinh ra trường phái đầu tư giá trị.

Ông bắt đầu giảng dạy về trường phái này tại Trường Columbia vào năm 1928 và sau đó cộng tác với David Dodd xuất bản cuốn sách nổi tiếng Phân tích chứng khoán (Security Analysis). Học trò của Benjamin bao gồm: Warren Buffett, William J. Ruane, Irving Kahn, Walter J. Schloss,…

10 tiêu chí lựa chọn cổ phiếu

Hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn về những tiêu chuẩn chọn cổ phiếu của Benjamin trong cuốn sách Security Analysis. Có 10 tiêu chí như sau được ghi chép trong cuốn sách của Benjamin nhà đầu tư cần chú ý:

  1. Tỷ số lợi nhuận/thị giá (E/P) cao gấp đôi lãi suất trái phiếu xếp hạng AAA (AAA là hạng mức tín dụng cao nhất dành cho trái phiếu của các công ty).
  2. P/E của cổ phiếu thấp hơn hoặc bằng 40% so với P/E của toàn thị trường.
  3. Tỷ suất cổ tức/giá của cổ phiếu (dividend yield) lớn hơn 2/3 của lãi suất trái phiếu xếp hạng AAA.
  4. Giá trị vốn hóa của công ty nhỏ hơn 2/3 giá trị sổ sách của tài sản hữu hình.
  5. Giá trị vốn hóa của công ty nhỏ hơn 2/3 giá trị tài sản lưu động ròng.
  6. Tỷ số nợ/vốn chủ sở hữu theo giá trị sổ sách nhỏ hơn 1.
  7. Tài sản ngắn hạn lớn hơn nợ ngắn hạn ít nhất 2 lần.
  8. Toàn bộ nợ nhỏ hơn 2 lần giá trị tài sản lưu động ròng.
  9. Tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) tăng trưởng 7%/năm trở lên trong vòng 10 năm qua.
  10. Công ty có sự tăng trưởng lợi nhuận hàng năm ít nhất 7 lần trong vòng 10 năm qua.

Cổ phiếu nào vượt qua 10 điều kiện sàng lọc trên, theo Benjamin Graham, là những cơ hội đầu tư giá trị tuyệt vời.

Nhà nghiên cứu Henry Oppenheimer đã phân tích kết quả của những cổ phiếu đạt 10 tiêu chuẩn của Benjamin Graham trong giai đoạn 1974 – 1981, kết quả là tỷ suất lợi nhuận của những cổ phiếu này cao gấp nhiều lần tỷ suất lợi nhuận của những cổ phiếu khác trên thị trường.

Một số người sử dụng 10 tiêu chuẩn này nhưng nội dung có khác đi đôi chút nhằm phù hợp với hoàn cảnh thị trường hay theo ngành đặc thù. Chúng ta cũng có thể làm tương tự như vậy để áp dụng tại thị trường Việt Nam. Ví dụ như ở Việt Nam không có công ty xếp hạng AAA ta có thể thay bằng những công ty được đánh giá là phát triển, có uy tín, hàng đầu ở thời điểm lựa chọn cổ phiếu.

lua chon co phieu trai phieu

8 Phương châm về Đầu tư giá trị

Ngoài 10 tiêu chuẩn chọn lọc trên, Benjamin Graham còn có 8 phương châm về đầu tư giá trị và một công thức tính giá trị cổ phiếu mang dấu ấn riêng của ông. Tác giả Janet Lowe, trong cuốn sách viết về tiểu sử của Benjamin Graham, đã tổng kết 8 phương châm như sau:

  1. Hãy là một nhà đầu tư, đừng là một nhà đầu cơ. Benjamin Graham định nghĩa nhà đầu tư là người mua và sở hữu cổ phiếu dài hạn, trong khi nhà đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn
  2. Quan trọng nhất là mua với giá bao nhiêu. Mua cổ phiếu của một công ty tốt nhất thị trường về hoạt động, về các chỉ số tài chính vẫn có thể là một đầu tư sai hoặc không hiệu quả nếu chúng ta mua với giá quá cao.
  3. Truy tìm những cơ hội giá hời. Thị trường sẽ luôn có lỗi trong việc định giá cổ phiếu.
  4. Luôn thận trọng với những con số tài chính do công ty cung cấp. Thỉnh thoảng vẫn có những công ty cố tình không đạo đức.
  5. Đa dạng hoá đầu tư. Đừng quá tập trung vào một số ít cổ phiếu.
  6. Hãy thực hiện quyền cổ đông của mình. Nhiều nhà đầu tư đã không thực hiện quyền cổ đông của mình mà bỏ ngỏ công ty cho các nhà điều hành. Nhà điều hành đôi khi hành động theo lợi ích của họ, hay lợi ích của một nhóm cổ đông nào đó, mà không hoạt động vì lợi ích của cả công ty.
  7. Hãy kiên nhẫn. Phương châm này củng cố phương châm 1.
  8. Phải có tính kỷ luật. Chỉ mua cổ phiếu khi thị giá thấp hơn giá trị được xác định theo công thức sau:

Giá trị = EPS x (2 x g (tốc độ tăng trưởng năm) + 8,5) x Lãi suất TPCP/lãi suất trái phiếu AAA

Ví dụ: Một cổ phiếu có EPS là 3 USD, tăng trưởng 10% năm, trong khi đó lãi suất trái phiếu chính phủ là 5% và lãi suất trái phiếu của công ty xếp hạng tín dụng AAA là 6%. Giá trị của cổ phiếu này sẽ là:

Giá trị = 3 x (2 x 10 + 8,5) x 5/6 = 71,25 USD

Theo Benjamin Graham, chúng ta chỉ nên mua cổ phiếu này khi thị giá thấp hơn 71,25 USD.

Công thức trên có thể điều chính cho phù hợp với mỗi nhà đầu tư tùy thuộc vào thời điểm tính toán ở Việt Nam. Đây là một gợi ý về cách điều chính của chúng tôi:

  • 2.g có thể đổi thành g nếu tốc độ tăng trưởng của công ty của bạn đang là rất cao vài chục phần trăm một năm.
  • EPS: nên lấy EPS trung bình của số năm quan sát

Về tỷ số 8,5, chúng ta cũng có thể thay đổi cho phù hợp. 8.5 là P/E của cổ phiếu không có tăng trưởng, chọn càng thấp càng an toàn. Các bạn ghét rủi ro có thể lựa chọn hệ số là 7. Nhà đầu tư thận trọng có thể dùng 8,5, nhưng nhà đầu tư không ngại rủi ro có thể áp dụng ở mức 9, tối đa là 9,5.

Về lãi suất của cổ phiếu AAA, chúng ta có thể tạm giả sử rằng, lãi suất trái phiếu công ty xếp hạng AAA sẽ cao hơn 1,5% so với lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm (đây là gợi ý của riêng tác giả). Nghĩa là, nếu lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm là 8% lãi suất trái phiếu AAA có thể tạm ấn định ở mức 9,5%.

Giá trị = EPS trung bình * (g+7).lãi suất an toàn (ngân hàng thời điểm viết bài này là 6.8%) / lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (ví dụ lãi suất trái phiếu ACB = lãi suất ngân hàng + 2%)

Nhà đầu tư cũng nên nhớ cần 1 biên độ an toàn khi mua: tức là giá mua = phần trăm an toàn% * giá trị tính được.

Chia sẻ
(5/5, 1 vote)
Ngọc Anh

Ngọc Anh

Tác giả