Xem bảng giá chứng khoán là một kĩ năng cơ bản và quan trọng mà nhà đầu tư nào cũng phải biết trước khi tham gia mua, bán cổ phiếu.
Hiện tại ở Việt Nam thì có hai sở giao dịch chứng khoán: Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh – HSX (HOSE) và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội – HNX. Hai sở giao dịch này đều có bảng giá riêng cũng như mỗi công ty chứng khoán đều có cung cấp dịch vụ bảng giá chứng khoán cho nhà đầu tư theo dõi. Số liệu của bảng giá này đều được lấy từ hai Sở giao dịch chứng khoán HOSE và HNX. Tuy nhiên thì các bảng giá này chỉ khác nhau về giao diện còn cơ bản các mục và cách sử dụng thì tương đương nhau.
Ở bài hôm nay chúng tôi sẽ lấy bảng giá của sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh HOSE để minh họa, muốn truy cập bảng giá thì các bạn có thể click vào đường link tại đây: https://www.hsx.vn/Modules/Rsde/RealtimeTable/LiveSecurity
Nhìn xuống phía cuối của trang, thì bạn có thể thấy đơn giá tại bảng là 1000 VNĐ và khối lượng 10 cổ phiếu. Điều này nghĩa là khi các bạn nhìn vào ô giá cổ phiếu ghi là 14.15 và khối lượng là 2241 nghĩa là giá cổ phiếu đó đang là 14 nghìn 15 đồng (14.15 x 1000 = 14,150 VNĐ ) và khối lượng 22410 (=2241 x 10) cổ phiếu.
Còn đối với bảng giá của sở chứng khoán Hà Nội HNX thì các bạn có thể xem ở đây:
2 bảng giá này cũng tương tự nhau, chỉ khác là tên các mã cổ phiếu ở 2 sàn là khác nhau.
Đầu Tư Số xin giải thích các tên và ký hiệu ở các cột trong bảng giá chứng khoán.
- Mã cổ phiếu (mã chứng khoán, mã CK): mỗi công ty được niêm yết trên sàn đều được ủy ban chứng khoán nhà nước cấp cho 1 mã riêng là tên viết tắt ở công ty đó. Ví dụ: VCB là mã cổ phiếu của ngân hàng VietCombank, VIC là mã cổ phiếu của Vingroup, CTG là mã cổ phiếu của ngân hàng Viettinbank,…
Ví dụ mã đầu tiên ở ảnh của bảng giá sàn hose: AAA là “Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát”. Để biết công ty nào với tên mã là gì thì các bạn có thể vào trang chủ của công ty mình quan tâm để tìm tên mã niêm yết trên sàn.
- ĐCGN (Giá đóng cửa gần nhất – giá tham chiếu – TC , hay giá vàng (do giá này có in màu vàng)): Đây là giá đóng của của phiên giao dịch trước đó của cổ phiếu (với sàn HOSE và HNX). Riêng với sàn UPCOM (do sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý) thì giá tham chiếu được tính là giá trung bình của phiên giao dịch trước đó;
- Giá trần (Giá CE hay giá tím): Là mức giá cao nhất của cổ phiếu có thể tăng trong ngày. Trên sàn HOSE thì giá trần là 7%* giá tham chiếu, trên sàn HNX thì giá trần là 10% * giá tham chiếu, trên sàn UPCOM thì giá trần là 15%*giá tham chiếu;
- Giá sàn (Giá FL hay giá xanh lam): là mức giá thấp nhất của cổ phiếu có thể giảm trong ngày. Trên sàn HOSE thì giá trần là -7%* giá tham chiếu, trên sàn HNX thì giá trần là -10% * giá tham chiếu, trên sàn UPCOM thì giá trần là -15%*giá tham chiếu;
- Giá xanh: giá màu xanh trong các cột của bảng giá là mức giá tăng so với giá tham chiếu nhưng vẫn thấp hơn giá trần;
- Giá đỏ: giá đỏ trong các cột của bảng giá là giá mức giá giảm so với giá tham chiếu nhưng vẫn cao hơn giá sàn;
- Dư mua ( bên mua hoặc chờ mua): mỗi bảng giá thì ở phần dư mua này có chia làm 3 cột nhỏ hơn. Mỗi cột đó lại chia làm 2 cột nhỏ hơn nữa gồm cột giá mua và khối lượng (KL). Giá mua ở đây là 3 giá mua cao nhất, có 3 cột Giá 1, Giá 2, Giá 3 thì thứ tự 3 giá mua được sắp xếp thứ tự giảm dần tính từ cột khớp lệnh đi từ phải qua trái: tức là Giá 1>Giá 2>Giá 3. Khối lượng bên cạnh trái mỗi cột giá là lượng cổ phiếu đặt mua với mức giá đó. VD ta có giá 3=14.05 và KL 3=6833 tức là có 68330 cổ phiếu được đặt mua với giá 14,050 VND;
- Dư bán (bên bán hoặc chờ bán): ở phần dư bán này thì cũng tương tự bên giá mua cũng chia làm mức giá với khối lượng. Nhưng ở đây thì liệt kê 3 giá bán thấp nhất và Giá 1 < Giá 2 < Giá 3;
- Khớp lệnh, chia ra 3 cột là giá khớp, KLTH, +/- thì: giá khớp là giá gần nhất mà bên mua và bên bán đưa ra trùng nhau (thì có khớp nếu cung và cầu cùng đưa ra 1 mức giá), và KLTH thì là khối lượng thực hiện của giá khớp lệnh hay là số cổ phiếu đã khớp với mức giá ở giá khớp. +/- là số đơn vị giá tăng/giảm của giá khớp so với giá tham chiếu;
- TKL đã khớp: là tổng khối lượng của cố phiếu đã khớp mua, bán trong ngành cho tới thời điểm xem bảng giá. Ô này thể hiện thanh khoản của cổ phiếu trong ngày hôm đó. Nếu TKL đã khớp càng cao thì thanh khoản của cổ phiếu càng cao;
- KLNN mua / bán: là số lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài mua / bán tính tới thời điểm hiện tại.
Qua bài viết này, Đầu Tư Số đã hướng dẫn cho các bạn cách xem bảng giá chứng khoán, mong các bạn có thể sử dụng những giải thích của chúng tôi để có thể theo dõi cổ phiếu mình quan tâm một cách hiệu quả nhất.