Danh mục Menu

Cách Warren Buffett đọc bảng Cân đối kế toán - Phần 1

Tiếp theo phần về báo cáo kết quả kinh doanh, trong bài này chúng tôi sẽ giới thiệu tiếp về cách đọc bảng cân đối kế toán của Warrent Buffett. Với việc hiểu được báo cáo này, nhà đầu tư sẽ nắm bắt được các khoản mục nợ và tài sản rất quan trọng của doanh nghiệp.

Bảng cân đối kế toán giúp nhà đầu tư có thể nghiên cứu về tài sản của doanh nghiệp, các khoản nợ và vốn chủ sở hữu trong thời điểm lập báo cáo.

Trong bảng cân đối kế toán các bạn có thể thấy 2 phần Tài sản, nguồn vốn

  • Phần 1: Tài sản bao gồm tiền mặt, khoản phải thu, hàng tồn kho, đất đai, máy móc thiết bị nhà xưởng,...
  • Phần 2: Bao gồm Nợ và vốn chủ sở hữu.

Tiền mặt và các khoản tương đương tiền

Có thể nói tiền mặt là công cụ mạnh nhất để một doanh nghiệp có thể chống chọi với thời điểm khó khăn. Một doanh nghiệp liên tục thiếu tiền mặt không thể có tình hình tài chính ổn định.

Một lượng tiền mặt cao có thể được hiểu là 1 trong những tình huống sau:

  • Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững và tạo ra nhiều tiền mặt liên tục.
  • Doanh nghiệp vừa có 1 khoản thu nhập bất thường nào đó

Nếu tiền và các khoản tương đương tiền nếu ở mức cao thường có 2 mặt:

  • Mặt tích cực là có thể doanh nghiệp có 1 lợi thế cạnh tranh bền vững giúp hoạt động kinh doanh tạo ra tiền mặt liên tục
  • Mặt tiêu cực là doanh nghiệp đang “bế tắc” trong việc tái đầu tư dòng tiền tạo ra, do đó không còn cách nào khác là gửi ngân hàng hoặc trả cổ tức tiền mặt cao cho cổ đông

Ngoài ra, tiền mặt cao cũng có thể doanh nghiệp vừa có 1 khoản dòng tiền bất thường nào đó, mà chúng ta có thể tìm hiểu trong phần thuyết minh.

Theo Buffett số dư tiền mặt cần chiếm khoảng ít nhất 10% nợ ngắn hạn mới được coi là có lượng tiền mặt tương đối khá (tức là hệ số khả năng thanh toán tức thời = tiền và tương đương tiền/nợ ngắn hạn khoảng từ 10% trở lên). Tiền tăng liên tục dấu hiệu tốt, còn giảm liên tục, teo tóp dần là dấu hiệu xấu về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thông thường, có 3 cách để có 1 lượng dự trữ tiền mặt lớn, đó là:

  • Phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu
  • Bán tài sản lớn hoặc công ty con, hoặc công ty liên kết
  • Hoạt động kinh doanh tốt nên tạo ra dòng tiền dương.

Nhà đầu tư nên đọc bảng cân đối của doanh nghiệp trong từ 3-10 năm để đánh giá chính xác nguồn tiền mặt được tạo ra từ đâu trong 3 cách trên.

Khi môt doanh nghiệp gặp phải những khó khăn ngắn hạn về kinh doanh hoặc tài chính, Warren Buffett thường nhìn vào lượng tiền mặt và những giấy tờ có giá dễ thanh khoản để đánh giá sức mạnh tài chính của doanh nghiệp có đủ để vượt qua những khó khăn ngắn hạn đó hay không. Khi đó, lượng tiền mặt, tiền gửi ngắn hạn, trái phiếu và cổ phiếu có thanh khoản cao càng lớn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể dễ dàng vượt qua khó khăn.

Các khoản phải thu

Bên cạnh tiền và tương đương tiền khoản phải thu cũng một mục quan trọng nhất khi đánh giá báo cáo tài chính. Hiểu đơn giản khoản phải thu là số tiền doạn nghiệp bán nợ cho khách hàng hoặc nhà phân phối. Khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn qua các năm giảm dần là tốt (dấu hiệu cho rằng công ty không bị chiếm dụng vốn).

Trong một ngành nghề có tính cạnh tranh cao, để có thể giữ được vị thế (thị phần) bán hàng, nhiều doanh nghiệp thường có những chính sách chiết khấu cao hoặc chính sách thanh toán chậm cho những nhà phân phối, đại lý. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tăng (hoặc giữ) được doanh số, tuy nhiên các khoản phải thu cũng sẽ tăng lên tương ứng.

Do đó, bạn cần đánh giá sâu hơn về tỷ lệ các khoản phải thu/doanh thu của doanh nghiệp trong nhiều năm liền có ổn định không và có thấp hơn so với các doanh nghiệp khác trong ngành không. Theo Warren Buffett tỷ lệ này của doanh nghiệp thấp hơn 30% là rất tốt, từ 30-50% nhà đầu tư có thể chấp nhận được. Tỷ lệ khoản phải thu càng cao so với doanh thu cho thấy rủi ro của doan nghiệp, bởi việc gia tăng doanh số bán hàng không đồng nghĩa với việc dòng tiền thu về tương ứng.

Nếu doanh nghiệp duy trì tỷ lệ này ổn định và thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong ngành, có thể doanh nghiệp có những lợi thế cạnh tranh nhất định đối với khách hàng, hoặc đối với nhà phân phối và các đại lý.

Quan trọng: Mục tiêu của nhà đầu tư khi đánh giá không phải là chỉ nhìn vào các con số tuyệt đối mà chúng ta phải nhìn được xu hướng của các con số, các tỷ lệ trong 1 khoảng thời gian dài 3-10 năm và so sánh với xu hướng của các tỷ lệ tương tự ở các doanh nghiệp đối thủ trong ngành.

Hàng tồn kho

Khi đánh giá hàng tồn kho đối với những doanh nghiệp sản xuất, bạn nên chú ý đến những điểm chính sau:

  • Những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh sản phẩm của họ sẽ không cần phải thay đổi quá nhiều để chạy theo nhu cầu của khách hàng và vì thế sản phẩm sẽ rất khó trở nên lỗi thời.

Warren Buffett luôn đánh giá cao đặc điểm này, chẳng hạn như sản phẩm của Coca Cola là 1 ví dụ điển hình cho lựa chọn của Buffett.

  • Khi bạn muốn xác định những dấu hiệu của lợi thế cạnh tranh trong doanh nghiệp sản xuất, bạn có thể đánh giá kỹ sự tăng trưởng đồng đều giữa hàng tồn kho và doanh thu.

Một doanh nghiệp luôn có 1 tỷ lệ khách hàng mới, đơn hàng mới ổn định sẽ có lượng hàng tồn kho và doanh thu tăng tương ứng với nhau.

  • Một doanh nghiệp có hàng tồn kho tăng giảm đột biến (hoặc thất thường) thường thể hiện sự không hiệu quả trong quản lý hàng tồn kho, hoặc hoạt động kinh doanh không thực sự hiệu quả.

Tài sản cố định hữu hình

Warren Buffett từng nói rằng:

Tôi thích những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững vì thế họ không tốn quá nhiều tiền đầu tư thêm tài sản nhưng vẫn có thể tạo ra được dòng tiền ổn định, đều đặn.” Hay diễn đạt theo 1 cách khác, những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh Capex sử dụng để duy trì vị thế hiện tại sẽ không lớn. Ngược lại, những doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh sẽ phải tốn chi phí nâng cấp nhà cửa thiết bị một cách liên tục.

Ngoài ra, một điểm khác biệt nữa giữa doanh nghiệp có và không có lợi thế cạnh tranh đó là, những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh có thể sử dụng dòng tiền hiện có để tài trợ cho việc mua mới tài sản cố định.

Nhiều doanh nghiệp không đủ tiền sẽ phải tài trợ nhiều bằng nợ vay, do đó, biên lợi nhuận sẽ thấp hơn và sức khỏe tài chính cũng kém hơn. Do đó, đối với khoản mục này, bạn nên xem xét thêm tỷ lệ tài sản cố định trên tổng tài sản, tỷ lệ capex hàng năm so sánh với tăng trưởng doanh thu, và tỷ lệ capex được tài trợ bằng nợ vay.

Và tất nhiên, bạn cần đánh giá trong 1 khoảng thời gian đủ dài, tối thiểu là 5 năm, và so sánh với các doanh nghiệp đối thủ trong ngành để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

(Còn tiếp...)

Phần 2

Chia sẻ
(5/5, 1 vote)
Trung Hiếu

Trung Hiếu

Tác giả