Nhiều nhà đầu tư khi phân tích cơ bản cổ phiếu rất quan tâm tới lợi nhuận, EPS trong một quý, một năm gần nhất. Nếu lợi nhuận quý này càng cao EPS càng tăng và chứng tỏ công ty làm ăn tốt và giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Nhưng liệu điều đó có hoàn toàn chính xác ? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
Cái bẫy của EPS
Lợi nhuận hàng quý, hàng năm của doanh nghiệp là không thể bỏ qua khi phân tích cơ bản, tuy nhiên nếu chỉ sử dụng EPS nhà đầu tư không bao giờ có thể hình dung chính xác về bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp. Bởi vì EPS có rất nhiều cạm bẫy trong đó.
Gramham, cha đẻ của trường phái đầu tư giá trị, đã nhắc nhở các nhà đầu tư trong cuốn sách Nhà Đầu Tư Thông Minh của ông rằng: Đừng quá coi trọng lợi nhuận ròng trong một năm hoặc một quý; Nếu phải xem xét lợi nhuận trong ngắn hạn, hãy cẩn thận với những cạm bẫy trong con số Earning Per Share.
Vấn đề cần lưu tâm khi tính đến EPS
Thứ nhất, nếu một doanh nghiệp hoạt động trong một lĩnh vực có tính chu kì, sẽ có những năm lợi nhuận đoanh nghiệp cao kì lục kéo theo con số EPS tăng có thể gấp đôi gấp ba lần, tuy nhiên nếu chúng ta chỉ dựa vào EPS năm nay để kì vọng EPS những năm tiếp theo cũng tăng trưởng như vậy chưa thể chính xác. Biết đâu hiện tại doanh nghiệp đang trong chu kì làm ăn tốt, nhưng chỉ trong năm sau chu kì này đã suy thoái, cả ngành đi xuống và EPS doanh nghiệp sẽ không còn tăng mạnh được như trước thậm chí còn giảm.
Vây trong trường hợp này, làm sao chúng ta có thể sử dụng EPS một cách hợp lý hơn ? Graham đã gợi ý chúng ta hai phương pháp sau, mà chúng tôi nghĩ các nhà đầu tư có thể sử dụng:
- Nếu doanh nghiệp trong một ngành có tính chu kì như xây dựng, bất động sản, ngân hàng,…, chúng ta sẽ cần tính EPS trung bình từ 5-7 năm. Với cách này chúng ta có thể xác định được cơ hội đầu tư trong thời gian dài, nắm được bức tranh tổng thể của doanh nghiệp trong cả chu kì hoạt động cua rnos.
- Đối với những công ty có sự tăng trưởng EPS đều qua các năm như trong ngành tiêu dùng, bán lẻ,… chúng ta sẽ tính toán tốc độ tăng trưởng hợp lý bằng cách tính EPS trung bình 3 năm gần nhất so với EPS trung bình của 5 hoặc 10 năm trước. Nếu mà EPS 3 năm gần đây cao hơn so với những năm trước ta có thể chấp nhận đầu tư. Ngoài ra nếu tốc độ EPS nhanh hơn tốc độ tăng vốn chủ cũng như tốc độ tăng tài sản đây có thể là một món hời cho các nhà đầu tư giá trị.
Điều thứ hai khi cần chú ý về EPS đó là EPS được tính dựa trên lợi nhuận sau thuế, mà nhiều doanh nghiệp lại có thể sử dụng các thủ thuật xào nấu báo cáo tài chính để tăng lợi nhuận khác, doanh thu tài chính lên để làm tăng lợi nhuận sau thuế. Từ đó EPS cao để làm đẹp báo cáo hơn. Để tránh điều này chúng ta nên tự tính lại EPS của doanh nghiệp và chỉ sử dụng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thuần túy.
Kết lại, EPS là một chỉ số quan trọng, tuy nhiên chúng ta không được nhìn EPS một cách máy móc mà cần phải tìm hiểu cả câu truyện đằng sau con số EPS đó được tạo ra từ đâu và có thể duy trì tốc độ EPS cao trong tương lai hay không ? Và nhà đầu tư cũng nên đánh giá thêm cả các yếu tố về triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai để ước đoán chính xác hơn tốc độ tăng trưởng EPS về sau.