Danh mục Menu

Bond Yield và Mối quan hệ với thị trường Chứng khoán

Sau khi vươn lên đỉnh cao mới mọi thời đại ở mốc 32,000 điểm, Dowjones – chỉ số trung bình công nghiệp Mỹ - đã có pha “quay xe” khi giảm hơn 1000 điểm, tương ứng khoảng gần 4% trong 2 phiên giao dịch. Không đứng ngoài thế sự, Nikkei 225 thậm chí chỉ cần một phiên giao dịch để “rơi tự do” 1,200 điểm trong phiên ngày 26/02/2021 từ mức 30,000 điểm - cao nhất trong 30 năm qua.

Lãi suất Trái phiếu kì hạn 10 năm tại Mỹ (bond yield 10Y) tăng cao nhất kể từ khi covid 19 xuất hiện vào tháng 12 năm 2019 được cho là nguyên nhân chính của làn song bán tháo này.

Bond Yield là gì?

Bond Yield là lợi suất trái phiếu có kì hạn. Các thời hạn phổ biến là 2 – 10 – và 30 năm. Xét trong cùng một khoảng thời gian và tại cùng một thị trường, Bond Yield thường sẽ cao hơn lãi suất ngân hàng. Ngoài ra, Bond Yield kì hạn dài thường có lãi suất cao hơn Bond Yield kì hạn ngắn; ngược lại, đó chính là khi xảy ra hiện tượng “ĐƯỜNG CONG LÃI SUẤT ĐẢO NGƯỢC” (xem thêm bài viết cũ).

BONDS - Lợi suất trái phiếu có kỳ hạn
BONDS - Lợi suất trái phiếu có kỳ hạn

Tại sao khi Yield tăng, cổ phiếu lại bị bán tháo?

Đối với góc độ nhà đầu tư cá nhân và/hoặc nhà đầu tư thông thường, yield tăng đồng nghĩa với mức lợi nhuận/rủi ro từ cổ phiếu đang thấp đi (hay discount rate tăng). Đơn giản vì nếu mua Bond, họ khá chắc chắn rằng sẽ nhận được khoản Yield khi bond đáo hạn, thay vì phải lăn lộn từng ngày “kiếm chác” trên thị trường chứng khoán.

Các tài sản Tài chính FUNDS nắm giữ

Đối với góc độ nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư. Câu chuyện sẽ phức tạp hơn. Đầu tiên, chúng ta cần biết rằng FUNDS nắm giữ một loạt (một số hoặc toàn bộ) cái loại tài sản tài chính:

  • Chứng chỉ quĩ;
  • Cổ phiếu;
  • Trái phiếu;
  • Tiền;
  • Bất động sản;
  • Các khoản cho nợ/ cho vay;
  • Vàng;
  • Dầu;
  • Các hợp đồng hàng hóa;
  • Giao dịch phái sinh;
  • …;

Hoạt động vận hành của Funds

Thứ hai, hoạt động vận hành của Funds (không phải toàn bộ) hiện nay bao gồm bộ phận kiểm soát rủi ro – RISK MANAGEMENT – bộ phận luôn theo dõi hàng loạt biến số - variables – khác nhau trên thị trường:

  • Bond yield;
  • Chỉ số lạm phát – inflation rate;
  • Chỉ số thất nghiệp – unemployment rate;
  • Chỉ số giá tiêu dùng – CPI;
  • GDP;
  • Giá vàng, dầu – commodity prices;
  • …;

Trong mô hình theo dõi, mỗi quĩ đặt một mức chịu đựng rủi ro nhất định, giả sử đặt mức Bond yield 10 năm 1.6 sẽ tự bán bớt cổ phiếu, tăng tỉ trọng tiền mặt hoặc để giảm tỉ lệ vay nợ margin.

Trong đêm ngày 26/02, khi BY 10Y tăng bất thường từ 1.3% lên 1.6% đã thúc đẩy hành động bán mạnh, đặc biệt tại các quỹ đầu cơ. Ngoài ra, một số quỹ dù chưa chạm tới “mức đèn đỏ” nhưng do cơ chế theo dõi các biến số vẫn “vận hành bằng cơm” nên chủ động bán trước, tránh trường hợp đè nhau chạy.

Về lý thuyết, bond yield tăng đồng nghĩa discount rate tăng tức rủi ro cho các tài sản rủi ro (cổ phiếu, hợp đồng phái sinh, …) sẽ tăng, và việc ưu tiên bán những tài sản này là hợp lí. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nếu tỉ lệ sinh lời - Earnings Yield của tài sản rủi ro (ví dụ cổ phiếu) tăng tương ứng (nhanh như hoặc nhanh hơn) tốc độ tăng Bond Yield thì lại “chưa từng có ngày hôm qua”.

Một cách dễ hiểu hơn, khi BY 10 năm tăng từ 1.3% lên 1.6% tuy nhiên triển EPS của cổ phiếu X trong danh mục bất ngờ tăng từ 4 lên 6 thì chẳng có lí do gì FUNDS phải bán giảm Cổ phiếu X để tăng tỉ trọng BOND cả. 

Kết luận

Bond yield tăng – cổ phiếu sẽ bị bán, thị trường sẽ giảm. Điều này không sai nhưng là chưa đủ và không đúng trong mọi trường hợp. Nếu BY tăng, nhưng earnings yield tăng nhiều hơn, việc này sẽ không xảy ra.

Mặt khác, bond yield có thể cao, nhưng chỉ cần ổn định thì thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu nói riêng sẽ có nhiều cơ hội để tăng. Bằng chứng: xem lại lịch sử BY 10Y của Mỹ so sánh với lịch sử Dowjones – BY thời điểm 2017 – 2018 hay 2020 – 2021 tăng nhưng TTCK Mỹ vẫn tăng mạnh.

Đồ thị Bond Yield 10Y Mỹ
Đồ thị Bond Yield 10Y Mỹ
 Đồ thị chỉ số DownJones Mỹ
 Đồ thị chỉ số DownJones Mỹ

Tóm lại, Bond Yield là một yếu tố kinh tế đáng cân nhắc khi xem xét đầu tư tài chính nói chung và cổ phiếu nói riêng, tuy nhiên không phải là một mối quan hệ tỉ lệ thuận hay nghịch đơn thuần với TTCK. Chúng ta cần xem xét rất nhiều yếu tố khác thay vì chỉ thấy Bond yield tăng mà lo ngại.

Chia sẻ
(5/5, 1 vote)
Hiền Trần

Hiền Trần

Tác giả