Danh mục Menu

Phương pháp SoTP (Sum-of-the-Parts Valuation) - Tổng hợp các mảnh ghép tạo thành giá trị Doanh nghiệp

Phương pháp SoTP tổng hợp các mảnh ghép tạo thành giá trị Doanh nghiệp, thường áp dụng cho doanh nghiệp đa ngành nghề và mỗi ngành nghề được tính theo phương pháp khác nhau, rồi cộng lại thành tổng. Hãy cùng Đầu Tư Số tìm hiểu sâu hơn về phương pháp này qua nội dung dưới đây nhé!

Phương pháp SoTP là gì?

Sum-of-the-Parts Valuation (SOTP) hay còn gọi là Phương pháp định giá Tổng các giá trị thành phần, là phương pháp xác định giá trị công ty trong đó mỗi công ty con của công ty hoặc bộ phận kinh doanh của nó được định giá riêng biệt và sau đó tất cả chúng được cộng lại với nhau để tạo ra tổng giá trị của công ty. 

Theo đó giá trị của mỗi đơn vị hoặc bộ phận kinh doanh được tính toán riêng biệt và có thể được xác định bằng phương pháp định giá phù hợp với bộ phận kinh doanh ấy. Ví dụ: phương pháp chiết khấu dòng tiền (FCFE, FCFF, RIM, DDM), định giá dựa trên phương pháp so sánh ngang (P/E, P/B, P/S) đều có thể sử dụng được trong SOTP.

Công thức tính toán SoTP

SOTP đơn giản được tính là tổng các trị của từng bộ phận kinh doanh của công ty lại.

SOTP= N1+ N2 +….+ Nn

Trong đó:  N1: Định giá mảng kinh doanh 1  N2: Định giá mảng kinh doanh 2 

Đối tượng phù hợp với Phương pháp SOTP

Điều bạn cần chú ý là không phải Doanh nghiệp nào cũng dùng phương pháp SoTP, dưới đây là một số mẫu doanh nghiệp phù hợp với phương pháp này

Các công ty báo cáo kết quả kinh doanh theo từng mảng kinh doanh một cách riêng biệt rất phù hợp với phương pháp này. Ví dụ điển hình có thể kể đến là CTCP FPT (HOSE: FPT), CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG)… Nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận số liệu về doanh thu, lợi nhuận của các mảng hoạt động trong báo cáo thường niên, thuyết minh báo cáo tài chính…

Các công ty có tài sản riêng biệt nhau, tức là các bộ phận khác nhau sẽ không sử dụng chung tài sản, máy móc của nhau cũng khá phù hợp. Tuy nhiên, phân rõ giới hạn như thế này ở Việt nam cũng hơi hiếm gặp.

Các lĩnh vực hoạt động không nhất thiết phải khác nhau hoàn toàn. Trong trường hợp của MWG thì các chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động, Bách Hóa Xanh và Điện Máy Xanh đều là bán lẻ nhưng dải sản phẩm không giống. Trong trường hợp của CTCP Phú Tài (HOSE: PTB) thì công ty đang hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau hoàn toàn như bán xe ô tô, sản phẩm gỗ, sản phẩm đá. 

Điểm hạn chế khi sử dụng phương pháp SoTP

Tuy sở hữu nhiều ưu điểm, nhưng Sum-of-the-Parts Valuation (SOTP) phụ thuộc vào việc doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin từng mảng kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều tập đoàn không cung cấp thông tin đầy đủ và cần thiết để nhà đầu tư có thể ứng dụng phương pháp SOTP vào để định giá. Định giá SOTP chỉ có thể được thực hiện hiệu quả nếu ban lãnh đạo quyết định chia nhỏ các phân khúc và điều hành chúng như một công ty/đơn vị riêng biệt.

Một vấn đề khác khi sử dụng phương pháp SOTP mà nhà đầu tư cần lưu ý là trong thực tế, tổng giá trị các bộ phận kinh doanh không phản ánh được giá trị tổng của tập đoàn. Các bộ phận kinh doanh lúc kết hợp kinh doanh sẽ tạo ra một giá trị lớn hơn (hoặc nhỏ hơn) tổng định giá của các bộ phận riêng biệt này lại.

Chia sẻ
(5/5, 1 vote)
Ngọc Anh

Ngọc Anh

Tác giả