Danh mục Menu

Những dấu hiệu khả nghi khi đọc Báo cáo tài chính Doanh nghiệp

Báo cáo tài chính (BCTC) là một trong những công cụ quan trọng cho các nhà đầu tư biết sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Khi lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư, nhà đầu tư không thể bỏ qua việc đọc báo cáo tài chính để tìm ra các dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp chưa chắc trở thành khoản đầu tư hoàn hảo. Cụ thể các dấu hiệu đó, Đầu Tư Số sẽ chia sẻ tới bạn đọc trong bài viết hôm nay.

Báo cáo tài chính là các thông tin kinh tế được kế toán viên trình bày dưới dạng bảng biểu, cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp đáp ứng các cầu cho những người sử dụng chúng trong việc đưa ra các quyết định về kinh tế.

Đọc báo cáo tài chính giúp bạn tìm ra điểm đáng ngờ trong hoạt động của Doanh nghiệp
Đọc báo cáo tài chính giúp bạn tìm ra điểm đáng ngờ trong hoạt động của Doanh nghiệp

Những con số trong báo cáo tài chính có thể cho thấy công ty đang làm ăn hiệu quả hay công ty đang vấp phải những khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những dấu hiệu khả nghi trong BCTC cho thầy doanh nghiệp đang có vấn đề bất thường.

Một báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam thường gồm các phần sau mà chúng ta cần lưu tâm:

  • Báo cáo kết quả kinh doanh
  • Bảng cân đối kế toán
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
  • Thuyết minh báo cáo tài chính.

Dưới đây là 8 điều mà các bạn có thể chú ý khi đọc các báo cáo trên để tìm ra vấn đề hiện có của doanh nghiệp mình đang định lựa chọn đầu tư.

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (debt-to-equity ratio) đang tăng lên

Hệ số này tính bằng lấy Nợ phải trả / Vốn chủ sở hữu. 2 khoản mục này các bạn có thể tìm thấy ở trong bảng cân đối kế toán. Khi hệ số này tăng lên qua các năm nghĩa là công ty đang sử dụng nợ. Một dấu hiệu báo động nếu tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 100% tức là doanh nghiệp đang dùng nợ nhiều hơn cả những gì mình có.

Doanh thu liên tục giảm qua các năm

Nếu công ty có ba hoặc nhiều năm doanh thu sụt giảm, chứng tỏ công ty đã không kinh doanh tốt, đang gặp sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ. Đôi lúc chúng ta có thể thấy doanh nghiệp đã sử dụng các biện pháp cắt giảm chi phí bằng cách bỏ các khoản chi tiêu lãng phí và cắt giảm nhân viên, có thể bù đắp cho việc suy giảm doanh thu.

Nếu ta không tìm thấy dấu hiệu thay đổi trong chiến lược kinh doanh cốt lõi trong vòng vài năm việc cắt giảm trong trung và dài hạn cũng không mang nhiều ý nghĩa. Các bạn có thể tìm thấy mục doanh thu ở đầu của bảng báo cáo kết quả kinh doanh của công ty.

Khoản mục “Chi phí khác” trên bảng cân đối kế toán lớn bất thường

Các công ty thông thường có khoản mục “chi phí khác” hay biến động hoặc quá nhỏ để định lượng, đây là điều bình thường trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và bảng cân đối kế toán. Nếu khoản mục “chi phí khác” có giá trị cao bất thường, bạn nên tìm xem nguyên nhân tại sao ở thuyết minh báo cáo tài chính.

Bạn có thể dự đoán khoản mục này còn xuất hiện trong năm tiếp theo không. Hãy đặt câu hỏi về tính minh bạch của ban lãnh đạo nếu mục chi phí khác cao bất thường nhưng không hề có khoản thuyết minh cụ thể nào trong “thuyết minh báo cáo tài chính”

Dòng tiền Doanh nghiệp thiếu ổn định

Các bạn có thể nghiên cứu dòng tiền của doanh nghiệp qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Hãy chú ý vào dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, dòng tiền đầu tư, dòng tiền từ hoạt động tài chính. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lớn hơn 0 đều đặn qua các năm chứng tỏ doanh nghiệp vẫn còn làm ăn tốt, tạo ra tiền cho cổ đông. Một doanh nghiệp không tạo được tiền từ hoạt động cốt lõi mà phải đi vay nợ để đầu tư, để trả cổ tức đó là một rủi ro các bạn nên cân nhắc trước khi muốn trở thành cổ đông của công ty.

Sự tăng lên của các khoản phải thu và hàng tồn kho có liên quan tới doanh thu

Tiền ở các khoản phải thu hoặc trong hàng tồn kho là các khoản tiền không tạo ra lợi nhuận. Trong khi điều quan trọng là phải có đủ hàng tồn kho để đáp ứng các đơn đặt hàng, tuy nhiên một công ty lại không muốn các khoản phải thu chiếm phần nhiều trong doanh thu hoặc trữ nhiều hàng tồn kho không bán được. Và đôi khi các khoản phải thu tồn tại liên tiếp qua các năm, và có nguồn gốc từ các công ty con hoặc công ty có liên quan đến lãnh đạo đó chính là dấu hiệu đỏ về sự minh bạch của ban lãnh đạo. Rất có thể các khoản phải thu đó chỉ là các khoản để làm đẹp báo cáo tài chính và sẽ không bao giờ thu về được.

Liên tục phát hành Cổ phiếu

Một công ty có càng nhiều cổ phiếu lưu hành trên thị trường cổ phiếu đó càng bị pha loãng. Nếu số lượng cổ phần của một công ty liên tục tăng hai hoặc ba phần trăm mỗi năm cho thấy công ty đang phát hành nhiều cổ phần và làm loãng giá trị của công ty. Nhất là nhiều công ty làm ăn kém hiệu quả cứ liên tục chia cổ tức bằng cổ phiếu nhà đầu tư nên tránh xa, chúng chỉ là chiêu trò của ban lãnh đạo và đội lái muốn lừa lấy tiền từ các nhà đầu tư.

Nợ vay luôn cao hơn tài sản bảo đảm

Kinh nghiệm cho thấy một số công ty duy trì ổn định tài sản và nợ vay khi ngành kinh doanh của công ty không phụ thuộc vào yếu tố theo mùa hoặc ít bị ảnh hưởng bởi áp lực thị trường. Kể cả các công ty trong ngành có tính mùa vụ (Ví dụ: các công ty xây dựng ít hoạt động trong những tháng mùa đông), cũng có thể để nợ nhiều hơn so với tài sản bảo đảm. Về mặt kỹ thuật, nợ vay cao hơn tài sản bảo đảm nằm trong kế hoạch được lập. Nếu công ty để nợ phải trả tăng cao mà không có tài sản bảo đảm cũng có thể là dấu hiệu việc sử dụng đòn bẩy quá nhiều.

Giảm biên lợi nhuận gộp

Biên lợi nhuận gộp = lợi nhuận gộp / doanh thu thuần. 2 khoản này có thể tìm thấy ở đầu của báo cáo kết quả kinh doanh. Biên lợi nhuận gộp là một thước đo hiệu quả về khả năng sinh lời của công ty so với các đối thủ. Biên lợi nhuận thể hiện chi phí sản xuất trực tiếp ra hàng hóa hoặc dịch vụ và biên lợi nhuận cần phải đủ để trang trải chi phí hoạt động như chi phí nợ. Tỷ suất lợi nhuận biên giảm qua các năm là điểm nhà đầu tư nên lưu ý. Nếu tỷ suất lợi nhuận giảm ngày càng nhiều chứng tỏ công ty đang mất đi lợi thế kinh doanh vốn có của mình.

Trước khi quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó, bạn nên phân tích kĩ báo cáo tài chính của doanh nghiệp đó. Chúng tôi nghĩ đọc báo cáo tài chính là một kĩ năng cần có của các nhà đầu tư, nhất là những người theo trường phái phân tích cơ bản. Hãy dành thời gian để tìm hiểu sâu báo cáo tài chính và xem xét những dấu hiệu khả nghi để có những nhận định đúng đắn hơn về công ty mình định chọn.

Tuy nhiên nhà đầu tư nên xem xét các con số trong báo cáo tài chính qua nhiều năm, và có sự phân tích cùng với các doanh nghiệp khác trong ngành và điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại để có cái nhìn hoàn thiện nhất.

Chia sẻ
(5/5, 1 vote)
Mai Chi

Mai Chi

Tác giả