Chiến thuật mua cổ phiếu khi giá vượt mốc cản đỉnh cũ sau một giai đoạn đi ngang hay còn gọi là breakout được nhiều nhà đầu tư theo phân tích kĩ thuật ưa dùng. Tuy nhiên đôi khi sau đợt breakout, nhà đầu tư mua vào và sau đó cổ phiếu làm giảm giá, đây gọi là fail breakout. Để phát hiện fail breakout có nhiều phương pháp như phân tích breakout kèm với các chỉ báo RSI, MACD, tuy nhiên hôm nay Đầu Tư Số xin giới thiệu phương pháp sử dụng riêng nến và thanh khoản.
Ví dụ cổ phiếu FLC
Đây là trường hợp fail breakout với cổ phiếu FLC, khi giá vượt đỉnh cũ rất thuyết phục với một cây nến xanh thân dài. Tuy nhiên nếu ai mua phiên nến đó sau khi hàng về tài khoản đều dính phải thua lỗ.
Dể tránh phải trường hợp này, chúng ta có thể để ý giai đoạn đi ngang trước đó xem hành động của giá được thay đổi như thế nào. Nếu có một giai đoạn fail breakout trước đó phá vỡ hỗ trợ dưới giai đoạn breakout vượt kháng cự đỉnh cũ càng có tỉ lệ cao là breakout thật. Có thể giải thích hiện tượng này là trong giai đoạn fail breakout trước đó là đội tạo lập của cổ phiếu muốn thay máu cổ đông cũ, đè cổ phiếu để gom đủ hàng sau đó mới đánh cổ phiếu tăng giá cao hơn.
Ví dụ cổ phiếu PHR
Giá cổ phiếu sau khi phá vỡ ngưỡng hỗ trợ dưới, dường như cổ phiếu sẽ giảm sâu sau khi mất ngưỡng hỗ trợ cứng này. Tuy nhiên sau đó khi những nhà đầu tư nhỏ lẻ hoảng sợ bán ra cổ phiếu, giá cổ phiếu lại tăng lên và quay lại xu hướng trước đó.
Sau lần fail breakout đó đội tạo lập đã gom đủ hàng và quyết định đánh lên. Giá cổ phiếu tăng rất đẹp với các đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sao cao hơn đáy trước.
Khi gặp kháng cự đỉnh cũ cổ phiếu cũng nhanh chóng vượt qua dễ dàng bằng một cây nến xanh thanh khoản cao. Đây là breakout thật không phải breakout giả như trường hợp của FLC. Sau khi thoát khỏi vùng cung kháng cự, giá có một phiên quay lại test vùng này thành công, tạo một cây nến rút chân rất đẹp. Nhà đầu tư khi gặp trường hợp breakout này có thể mua ở cây nến breakout đầu tiên hoặc cây nến rút chân test lại hỗ trợ.
Tóm lại, để phát hiện dấu hiệu breakout thành công bằng đồ thị nến chúng ta cần các yếu tố sau đây: Một vùng giá đi ngang bị kẹp giữa hai vùng cung cầu làm kháng cự và hỗ trợ, một giai đoạn giá phá vỡ hỗ trợ dưới (fail breakout), và mua ở giai đoạn breakout thành công.
Nhà đầu tư chỉ nên mua khi giá breakout hoàn toàn khỏi vùng cung kháng cự, không nên mua khi giá vẫn bị nhốt trong vùng của ngưỡng kháng cự và hỗ trợ. Nếu giai đoạn fail breakout càng dày đặc với nhiều nến sau pha breakout thành công giá sẽ tăng càng mạnh.
Ví dụ cổ phiếu PPC
Trong trường hợp của PPC này, ngưỡng hỗ trợ khu vực tạo gap được test đến 3 lần những không thủng. Lần thứ tư tưởng chừng giá đã mất hỗ trợ, nhưng thực rachỉ là fail breakout. Nhà đầu tư có thể để ý ở vùng fail breakout này khối lượng tự nhiên tăng vọt, nhưng điều quan trọng là giá không thể giảm quá sâu mà chỉ chớm giảm dưới hỗ trợ. Lượng thanh khoản tăng kia là lượng lớn cổ phiếu bị bán ra đã được đội tạo lập hấp thụ hết để có hàng đánh lên ở đợt breakout sau.
Mặc dù sau đó khi gặp kháng cự đỉnh cũ, giá đã có phản ứng bị đẩy giảm trở lại, tuy nhiên sức mạnh của những phiên giảm giá bởi các nến đỏ thân ngắn không đủ lực để đấy giá xuống sâu hơn nữa. Giá chỉ giảm nhẹ và ngay sau đó giá được kéo tiếp tục tăng. Kháng cự ban đầu giờ chỉ đủ sức làm chậm đà tăng của giá, chứ không thể tạo nên sự đảo chiều.
Ở đợt breakout lần thứ hai có khối lượng giao dịch tăng dần, sức mạnh của giá đã được tích lũy rất tốt nên kể cả khi xuất hiện nến pinbar ngụ ý đảo chiều cũng nhanh chóng bị phủ nhận bởi những phiên tăng tiếp theo. Kết quả như chúng ta đã thấy ở trên hình, giá tiếp tục tăng mạnh với nhiều cây nến xanh thân dài thuyết phục.
Điều quan trọng với phương pháp này là Nhà đầu tư phải có sự kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu xác nhận một cách chính xác. Đầu Tư Số mong rằng các anh chị có thể ứng dụng được cách này để giao dịch theo chiến thuật breakout thành công nhất.