Danh mục Menu

Lạm phát là gì? Ảnh hưởng của lạm phát tới nền kinh tế và cơ hội đầu tư

Có thể bạn chưa biết, chính lạm phát đang bào mòn số tiền tích lũy của bạn qua từng năm. Mặc dù cùng là số tiền đó của bạn nhưng theo thời gian lượng hàng hóa mua được (hay sức mua) của số tiền sẽ giảm đi do lạm phát. Vậy lạm phát là gì và có tác động như thế nào với nền kinh tế? Chúng ta sẽ cùng đi sâu tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé.

Lạm phát là gì?

Lạm phát (Inflation) hiểu đơn giản là sự gia tăng giá, có thể hiểu là sự sụt giảm của sức mua theo thời gian hay là sự mất giá của một loại tiền tệ nào đó. Tỷ lệ giảm sức mua có thể được phản ánh trong việc tăng giá trung bình của một rổ hàng hóa và dịch vụ (được mỗi chính phủ mỗi nước lựa chọn tùy thuộc vào đặc điểm nền kinh tế của quốc gia) trong một khoảng thời gian.

Lạm phát tăng thường được thể hiện dưới dạng phần trăm, có thể hiểu là càng ngày một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa, dịch vụ hơn so với các giai đoạn trước. Lạm phát có thể tương phản với giảm phát, xảy ra khi giá giảm và sức mua tăng.

Ảnh hưởng của Lạm phát(Inflation) và cơ hội đầu tư
Ảnh hưởng của Lạm phát(Inflation) và cơ hội đầu tư

Chúng ta rất dễ đo lường sự thay đổi giá của các sản phẩm riêng lẻ theo thời gian, ví dụ như trước kia bát phở có giá 20 ngàn, 5 năm sau chúng ta thấy cũng bát phở đó đã phải mất 45 ngàn mới mua được. Tuy nhiên nhu cầu của con người vượt ra ngoài chỉ một hoặc hai sản phẩm.Con người sẽ cần một bộ sản phẩm lớn và đa dạng cũng như một loạt các dịch vụ để sống một cuộc sống thoải mái. Chúng bao gồm các hàng hóa như ngũ cốc thực phẩm, kim loại, nhiên liệu, các tiện ích như điện và vận chuyển, và các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, giải trí và lao động.

Tỷ lệ Lạm phát có mục đích đo lường tác động chung của sự thay đổi giá cho một bộ sản phẩm và dịch vụ đa dạng. Nó cho phép một đại diện giá trị duy nhất của sự gia tăng mức giá của hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế trong một khoảng thời gian.

Nguyên nhân của lạm phát do đâu?

Đây là câu hỏi của rất nhiều người quan tâm, thực tế các nguyên nhân của lạm phát được phân làm 3 loại chính: lạm phát do cầu kéo, lạm phát do chi phí đẩy và lạm phát tích hợp.

Lạm phát do dung cầu

Nguyên nhân đầu tiên phải nhắc đến đó là lạm phát do cung cầu. Lạm phát do cầu kéo xảy ra khi cung tiền và tín dụng tăng, trong điều kiện này sẽ kích thích người dân, chính phủ, doanh nghiệp chi tiêu hàng hóa dịch vụ nhiều hơn. Và tổng cầu tăng nhanh hơn năng lực sản xuất của nền kinh tế. Cầu lúc này lớn hơn cung dẫn tới giá tăng.

Lạm phát do chi phí tăng cao

Lạm phát do chi phí đẩy là kết quả của việc tăng giá các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. Khi cung tiền dồi dào, dần dần lượng tiền sẽ được chuyển vào thị trường hàng hóa, tài sản. Như vậy đẩy giá các hàng hóa, tài sản đóng vai trò là chi phí trung gian tăng lên. Điều đó khiến chi phí để sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ cũng tăng theo từ đó gây ra lạm phát.

Ví dụ, khi cung tiền được mở rộng, nó sẽ tạo ra sự bùng nổ đầu cơ về giá dầu. Giá dầu tăng khiến chi phí năng lượng cho sản xuất, cho vận chuyển điều tăng khiến các nhà sản xuất phải tăng giá sản phẩm sản xuất ra.

Lạm phát tích hợp

Lạm phát tích hợp có liên quan đến kỳ vọng lạm phát của các chủ thể trong nền kinh tế. Khi giá hàng hóa và dịch vụ tăng lên, mọi người có thể dự đoán (kỳ vọng) giá này tiếp tục tăng lên trong tương lai (tức là dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong năm sau). Do đó người lao động có thể đòi hỏi tăng tiền liền để duy trì mức sống của họ. Khi tiền lương tăng sẽ tạo ra chi phí của người chủ doanh nghiệp tăng lên, họ lại tăng giá sản phẩm từ đó tiếp tục làm tăng giá hàng hóa. Vòng xoáy giá tiền lương này tiếp tục tạo ra lạm phát kéo dài.

Lạm phát của Việt Nam giai đoạn 2010-2022

Giai đoạn 2010 - 2011

Tỷ lệ lạm phát 2 năm 2010 và 2011 đều ở mức cao hơn 9%, năm 2011 thậm chí lạm phát còn vượt 18% và đạt kỉ lục là mức lạm phát cao nhất của Việt Nam trong 12 năm trở lại đây.

Giai đoạn 2011 – 2015

Thời kì này Việt Nam áp dụng chính sách kinh tế khá hài hòa và hiệu quả. Chính sách tài khóa và tiền tệ được thắt chặt để kiểm soát lạm phát. Cụ thể là các chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt; kết hợp khuyến khích để tăng xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu, tái cấu trúc nền kinh tế. Nhờ đó tác động tích cực lên nền kinh tế và giảm lạm phát. Kết quả là lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Đặc biệt năm 2015 có mức lạm phát thấp kỷ lục chỉ 0.63%, con số dưới 1% là mức lạm phát thấp nhất kể từ khi chúng ta bắt đầu tính toán chỉ số lạm phát trong thống kê kinh tế ở Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu đã có đợt giảm rất thấp trong 2015.

Giai đoạn 2016 – 2020

Nền kinh tế được điều hành chặt chẽ giúp tỷ lệ lạm phát luôn ổn định ở mức quanh 4%. Năm 2020 xuất hiện đại dịch Covid có nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp ảnh hưởng mạnh mẽ rất nhiều ngành nghề của nền kinh tế. Năm đầu tiên của dịch Covid, lạm phát của Việt Nam cũng vẫn trong tầm kiểm soát, chỉ hơn 3%. Nguyên nhân chính là do nhu cầu du lịch đi lại của người dân giảm mạnh, giá cước, giá dầu và xăng đều giảm mạnh so với năm trước.

Giai đoạn 2021 – 2022

Trong giai đoạn 2 năm 2021-2022, với cuộc xung đột Nga-Ukraine và những nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch Covid-19; kinh tế toàn cầu đã chứng kiến một xu hướng lạm phát liên tục gia tăng. 

Lạm phát cao diễn ra tại nhiều khu vực, bao gồm các nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU, cũng như nhiều nền kinh tế mới nổi (EM). Tuy nhiên lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt vẫn chỉ dưới 4% nhờ chính sách tiền tệ ổn định. Đặc biệt 2021 lạm phát chỉ dưới 2% là một sự đi ngược bất ngờ nếu so với lạm phát cao ở nhiều quốc gia khác.

Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia có lạm phát trung bình trên thế giới, chỉ khoảng 4-6%. Kết thúc năm 2022, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam tăng nhẹ chỉ ở mức 3,21%. Việc bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm; kết hợp việc kiểm soát đà tăng giá xăng dầu, chưa tăng giá điện, giá dịch vụ y tế, học phí… đã giúp lạm phát được kiểm soát thành công, đạt mục tiêu  dưới 4% mà Quốc hội đã đề ra.

Ảnh hưởng của lạm phát tới nền kinh tế

Ở mỗi mức độ lạm phát khác nhau thì ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực lên nền kinh tế cũng khác nhau rõ rệt. Chúng ta có thể nhận thấy lạm phát tăng cao khi giá cả tăng lên trong thời gian dài, do đó mức ảnh hưởng tới nền kinh tế xã hội còn phụ thuộc vào khả năng đánh giá và nhận định lạm phát của mỗi quốc gia trong đó có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực.

Ảnh hưởng tích cực

Lạm phát ở mức độ vừa phải và trong tầm kiểm soát có thể đem lại những lợi ích cho nền kinh tế. Lạm phát ở mức hợp lý giúp kích thích tiêu dùng khiến tăng tổng cầu để thúc đẩy xã hội phát triển. Kích thích việc vay nợ, đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh từ đó giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng GDP.

Ảnh hưởng tiêu cực

Tuy nhiên nếu lạm phát quá cao và kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt của nền kinh tế lẫn đời sống xã hội. Khi lạm phát cao có nghĩa là một đơn vị tiền mua ít hàng hóa và dịch vụ hơn. Điều này dẫn tới sự sụt giảm về sức mua của người dân, và ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt thông thường của mỗi người.

Cuối cùng dẫn đến sự sụt giảm trong tăng trưởng kinh tế. Theo quan điểm được đa số các nhà kinh tế đồng tình, lạm phát cao đáng bạo động sẽ xảy ra khi tăng trưởng cung tiền của một quốc gia vượt xa sự tăng trưởng thực tế của kinh tế.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng sẽ tác động ngay tới lãi suất cũng tăng theo. Lãi suất chính là chi phí của doanh nghiệp, nếu lãi suất quá cao doanh nghiệp cũng sẽ không trả được nợ và dẫn tới phá sản, người lao động sẽ thất nghiệp. Số lượng doanh nghiệp phá sản, thu hẹp sản xuất tăng sẽ tạo ra suy thoái kinh tế, đời sống bấp bênh, thậm chí có thể dẫn tới bạo loạn.

Lạm phát cũng sẽ tác động làm tỷ giá tăng, đồng tiền trong nước mất giá nhanh hơn so với đồng tiền nước ngoài như USD. Điều này sẽ khiến nợ quốc gia phình to và càng tạo ra tác động khó khăn cho nền kinh tế.

Để chống lại điều này, Các ngân hàng trung ương của các quốc gia đều thực hiện các giải pháp cần thiết để quản lý cung tiền và tín dụng. Mục tiêu của các ngân hàng trung ương là muốn giữ lạm phát trong giới hạn cho phép và giữ cho nền kinh tế hoạt động bình thường.

Thời kỳ Lạm phát và cơ hội dành cho Nhà đầu tư

Lạm phát cao chưa hẳn là điều không tốt với các nhà đầu tư. Chúng ta vẫn có thể tận dụng môi trường lạm phát cao để dịch chuyển tiền tới những tài sản có tiềm năng tăng giá. Sau đây là một số kênh đầu tư trong thời kỳ lạm phát mà Đầu Tư Số muốn chia sẻ, bạn có thể tham khảo.

Đầu tư cổ phiếu

Cổ phiếu phòng thủ, mang tính chất thiết yếu có thể vẫn duy trì tỷ suất lợi nhuận tốt trong thời kỳ lạm phát. Nguyên nhân là do các sản phẩm của những ngành thiết yếu luôn có cầu cho dù nền kinh tế phát triển hay khó khăn,

Ví dụ như dược phẩm, nông nghiệp, thực phẩm, năng lượng (điện nước), nguyên liệu. Cho dù lạm phát giá cả có cao, nhu cầu ăn uống, dùng điện nước vẫn phải được đáp ứng đầu tiên. Và các doanh nghiệp này có thể tăng giá hàng hóa để duy trì biên lợi nhuận, từ đó tồn tại được qua lạm phát.

Có những doanh nghiệp thuộc những ngành này còn chi trả mức cổ tức cao và đều đặn hàng năm, giúp tạo thêm dòng tiền cho các nhà đầu tư sáng suốt. Bởi vậy đầu tư các cổ phiếu mang tính chất phòng thủ từ các ngành thiết yếu là một lựa chọn đáng cân nhắc trong thời kỳ lạm phát cao, có thể còn ít rủi ro hơn là giữ tiền mặt mất giá với tốc độ nhanh.

Cổ phiếu cũng là tài sản có tính thanh khoản cực cao, bởi vậy nếu nhà đầu tư cần tiền để đáp ứng nhu cầu cũng có thể bán ra tiền rất nhanh trong phiên giao dịch. Tuy nhiên để đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư cần tìm hiểu kĩ doanh nghiệp và nhiều chỉ số khác nhau để đánh giá trước khi lựa chọn mua bán cổ phiếu. Sẽ  cần nhiều thời gian, kiến thức, chuẩn bị tâm lý trước khi tham gia vì đây cũng là thị trường đầu tư rủi ro.

Đầu tư Bất động sản

Bất động sản là một tài sản hữu hạn, nên nó sẽ có xu hướng tăng khi lượng tiền lưu thông quá nhiều ở môi trường lạm phát cao. Đặc biệt là các loại bất động sản nhà ở các thành phố lớn, luôn có nhu cầu thật. 

Ngoài ra bất động sản còn có thể cho thuê để tạo dòng tiền hàng tháng, và tiền cho thuê cũng có thể tăng theo lạm phát của nền kinh tế nữa. Tuy nhiên có nhược điểm là nhà đầu tư sẽ cần lượng vốn lớn để mua được các bất động sản tốt, ngoài ra tính thanh khoản thấp nên có thể mất thời gian lâu để bán ra thu tiền về nếu cần.

Đầu tư vàng

Vàng là một biện pháp truyền thống để phòng chống lạm phát cao, đặc biệt là siêu lạm phát. Vàng cũng được các quốc gia đánh giá cao về giá trị trường tồn và thanh khoản cao. Bởi vậy trong dự trữ ngoại hối của nhiều quốc gia đều có tỷ trọng vàng dù ít hay nhiều theo từng thời kỳ. 

Khi vật giá leo thang quá mức, giá vàng sẽ lại tăng để bù lại lạm phát. Việc mua bán vàng cũng rất nhanh chóng ở mọi quốc gia, các cửa hàng vàng đều có dịch vụ mua lại vàng, nên việc quy đổi vàng ra tiền rất dễ dàng cho mọi nhà đầu tư. Vàng là tài sản quý giá nên nếu đầu tư, nhà đầu tư nên tìm nơi cất trữ an toàn đề phòng trộm cắp. Ngoài ra nó có nhược điểm là không tạo ra dòng tiền đều đặn như cổ tức hay tiền thuê bất động sản.

Tóm lại, Lạm phát là hiện tượng tăng giá cả và có nhiều tác động tới nền kinh tế, nó vừa có mặt lợi nhưng cũng có các mặt hại nghiêm trọng, nên lạm phát cần được kiểm soát đúng cách. Các nguyên nhân, đặc điểm và ảnh hưởng của lạm phát cũng là các yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư cần nắm vững để từ đó có các quyết định quản lý tài chính cá nhân hiệu quả.

Qua bài viết này, hy vọng mọi người đã có cái nhìn rõ nét hơn về lạm phát và những cơ hội đầu tư trong thời kỳ lạm phát cao xuất hiện. Đừng quên ghé thăm Đầu Tư Số mỗi ngày để cập nhật thêm thông tin và kiến thức đầu tư hữu ích các bạn nhé.

Chia sẻ
(5/5, 1 vote)
Mạnh Hà

Mạnh Hà

Tác giả