Trong quá trình đầu tư trên thị trường chứng khoán, ngoài các loại trái phiếu và cổ phiếu đang khá phổ biến, còn một lớp tài sản nữa có đặc điểm rất khác biệt có thể là một khoản đầu tư cho các nhà đầu tư ưa thích sự an toàn, đó là chứng chỉ quỹ ETF. Loại tài sản này có tính thanh khoản cao như cổ phiếu nhưng an toàn hơn, đi kèm với tỷ lệ sinh lời kỳ vọng thấp hơn. Ở bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ETF, các quỹ ETF và cách đầu tư vào quỹ ETF nhé.
ETF là gì?
ETF là viết tắt của Exchange-Traded Fund, nghĩa là Quỹ hoán đổi danh mục. ETF là một loại chứng khoán đầu tư và thường theo dõi một chỉ số cụ thể, lĩnh vực, hàng hóa hoặc các tài sản khác.
Ví dụ ở Mỹ có quỹ ETF SPY là quỹ ETF mô tả chỉ số S&P500 của Mỹ, hay quỹ ETF vàng SPDR GOLD TRUST ETF (GLD), ở Việt Nam có quỹ ETF mô tả chỉ số VN30 là Quỹ ETF VFMVN30,…
Quỹ ETF được hình thành từ việc hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy chứng chỉ quỹ, nên đây còn được coi là quỹ hoán đổi danh mục. Chứng chỉ quỹ ETF sẽ được giao dịch trên thị trường giống như việc giao dịch một cổ phiếu thông thường, ngoài ra nhà đầu tư có thể giao dịch trực tiếp với công ty quản lý quỹ thông qua phương thức giao dịch hoán đổi từ thành viên lập quỹ.
Nhà đầu tư mua ETF và giá của ETF sẽ biến động theo giá của chỉ số mà ETF mô phỏng. Bởi vậy khi chỉ số tăng lên giá của ETF tăng và tài sản của nhà đầu tư sẽ tăng, có thể bán chốt lời được như cổ phiếu thông thường. Ngược lại khi chỉ số giảm sẽ dẫn tới tài sản của nhà đầu tư sẽ giảm theo.
Cơ cấu tổ chức quỹ ETF
Tổ chức phát hành ETF thường là một quỹ đầu tư, như quỹ dragon capital hay SSIAM. Quỹ này có nhiệm vụ sử dụng tiền của các nhà đầu tư để mua một rổ cổ phiếu theo tỷ lệ tính toán hợp lý, nhằm mô phỏng biến động của chỉ số gồm các rổ cổ phiếu cần theo dõi.
Tổ chức phát hành sẽ tính toán và công bố giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ ETF hàng ngày, dựa vào giá đóng cửa của chứng khoán cơ cấu trong danh mục sau khi cộng vào các lệ phí và chi phí. Trong phiên giao dịch, thị giá chứng chỉ quỹ có thể thay đổi liên tục do sự dao động của giá cổ phiếu trong danh mục đầu tư hay nhu cầu của nhà đầu tư.
Lợi nhuận quỹ ETF
Để tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư, các quỹ ETF sẽ được vận hành theo một thuật toán giao dịch được máy tính xử lý. Theo mỗi kỳ (tùy theo tổ chức quản lý quỹ quyết định) quỹ sẽ cơ cấu danh mục ETF (mua bán cổ phiếu) sao cho biến động giá của chứng chỉ quỹ ETF sát nhất với chỉ số mà quỹ theo dõi. Khi chỉ số tăng điểm nguyên nhân do các cổ phiếu trong rổ chỉ số tăng giá; tương ứng giá trị của chứng chỉ quỹ sẽ tăng lên và nhà đầu tư ETF sẽ có lợi nhuận tạm tính như việc mua cổ phiếu và cổ phiếu tăng giá vậy.
Danh mục ETF là gì?
Danh mục của quỹ ETF là một rổ gồm các cổ phiếu được lựa chọn tùy thuộc vào mục đích của quỹ muốn mô phỏng chỉ số nào. Ở Việt Nam hiện này chủ yếu có các quỹ ETF mua danh mục các cổ phiếu trong VN30 , VNDIamond, VNFIn lead và VNMID cap.
Đánh giá Ưu và nhược điểm của quỹ ETF
Nhưng tất nhiên, không có khoản đầu tư nào là hoàn hảo và ETF cũng có nhược điểm của chúng, từ cổ tức thấp đến việc có những thời điểm xuất hiện chênh lệch giá mua-bán lớn. Xác định những ưu điểm và nhược điểm của quỹ ETF có thể giúp các nhà đầu tư cân đối rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng. Đồng thời quyết định xem những chứng khoán này có phù hợp với danh mục đầu tư của họ hay không.
Ưu điểm của quỹ ETF
Khi đầu tư vào quỹ ETF, nhà đầu tư sẽ có được những lợi ích sau:
1. Đa dạng hóa nên hạn chế rủi ro của 1 cổ phiếu riêng lẻ.
Một ETF có thể tiếp xúc với một nhóm cổ phiếu của một ngành (ví dụ quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD mô phỏng chỉ số VNFIN LEAD được lựa chọn từ các cổ phiếu thành phần thuộc chỉ số ngành tài chính) , hoặc của một chỉ số đa dạng hơn như VN30 (nhóm 30 công ty vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE của Việt Nam) hay VNDIAMOND (nhóm các cổ phiếu kín room ngoại). ETF có thể theo dõi nhiều loại cổ phiếu hơn hoặc thậm chí cố gắng mô tả lợi nhuận của một chỉ số chứng khoán quốc gia hoặc một nhóm quốc gia. Bởi vậy nhà đầu tư ETF sẽ có sự đa dạng hóa hơn về các ngành, các mã cổ phiếu so với việc chỉ đầu tư riêng lẻ vào một cổ phiếu mà mình tự lựa chọn.
Chính vì sự đa dạng hóa này, ETF sẽ hạn chế rủi ro so với việc đầu tư 1 cổ phiếu riêng lẻ hoặc danh mục chỉ gồm số ít mã cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư all in vào 1 mã cổ phiếu, khi có tin tức xấu về riêng doanh nghiệp, hoặc nhà đầu tư chọn sai cổ phiếu sẽ dẫn tới giá trị khoản đầu tư giảm rất nhanh và mạnh. Nhưng ETF gồm rất nhiều mã cổ phiếu, cho dù nếu trong đó 1 hoặc vài mã giảm mạnh cũng không ảnh hưởng nhiều tới toàn bộ quỹ trong thời điểm đó.
2. Chi phí thấp
Quỹ ETF là quỹ thụ động, được quản lý chủ yếu bằng hệ thống máy móc và thuật toán để bám sát sự biến động của chỉ số, nên sẽ có chi phí quản lý thấp hơn so với các quỹ chủ động. Ngoài ra đầu tư vào ETF nhà đầu tư cá nhân cũng không mất chi phí về thời gian, công sức nghiên cứu cụ thể từng mã cổ phiếu, do đã đầu tư vào một rổ nhiều mã trong quỹ ETF rồi.
3. Tính thanh khoản cao
Nếu đầu tư vào các quỹ thụ động, nhà đầu tư sẽ thường ký hợp đồng với quỹ từ 1 năm trở lên mới có thể rút khoản vốn của mình, nếu rút sớm hơn có thể bị mất phí cao hơn tùy thuộc vào từng loại quỹ. Nhưng với quỹ ETF nhà đầu tư có thể mua bán rất thuận tiện như việc đặt lệnh mua bán một cổ phiếu. Việc nắm giữ quỹ ETF lâu hay ngắn tùy thuộc vào nhà đầu tư quyết định, chỉ tốn chi phí giao dịch và thuế như việc giao dịch cổ phiếu mà thôi. Bởi vậy đầu tư ETF có tính linh hoạt tương tự như cổ phiếu nhưng với độ rủi ro thấp hơn nhiều.
4. Thu hút vốn ngoại
Đối với nhà đầu tư ngoại không thể mua được các cổ phiếu kín room như FPT PNJ MWG VPB TCB … , thì có thể đầu tư gián tiếp qua các quỹ ETF nắm giữa các cổ phiếu này. Đây cũng là cách để Việt Nam thu hút thêm dòng vốn ngoại vào thị trường khi các doanh nghiệp hấp dẫn đã kín room họ muốn cũng không thể mua được.
Nhược điểm của quỹ ETF
Với những lợi ích về thanh khoản, sự đa dạng hóa tạo nên tính an toàn, ETF vẫn có các nhược điểm mà nhà đầu tư cần chú ý:
1. Lợi nhuận kỳ vọng thấp hơn so với cổ phiếu đơn lẻ.
Do quỹ ETF nắm giữ một rổ cổ phiếu, nên có những lúc một vài mã cổ phiếu tăng mạnh thì quỹ cũng chỉ vẫn cho hiệu suất trung bình của cả nhóm cổ phiếu trong quỹ. Nên những lúc thị trường uptrend, nhà đầu tư cầm quỹ ETF cũng chỉ có lợi nhuận bằng mức trung bình của thị trường hoặc của ngành, chứ không thể có lợi nhuận bằng các mã dẫn dắt đầu ngành tăng vượt trội.
2. Tỷ suất cổ tức thấp hơn so với cổ phiếu riêng lẻ.
Vì quỹ ETF gồm nhiều cổ phiếu, trong một thời điểm có mã chia cổ tức tiền mặt, có mã không, nên tính trung bình tỉ suất cổ tức tiền mặt của ETF thường thấp hơn so với việc đầu tư vào một cổ phiếu có tỷ lệ chi trả cổ tức cao. Ngoài ra các ETF ở Việt Nam thường tự động tái đầu tư cổ tức, tức là họ sẽ tính luôn cổ tức vào giá biến động của chỉ số ETF (quỹ có thể thông qua việc dùng cổ tức đó mua luôn tiếp cổ phiếu). Bởi vậy nên khi nhà đầu tư chính thức bán chứng chỉ ETF mới nhận được phần lợi nhuận từ cả biến động giá của ETF và của các cổ tức mang lại. Chứ không như cổ phiếu trả cổ tức tiền mặt là sẽ tạo ra một khoản thu nhập trực tiếp cho cổ đông luôn trong khi cổ đông không cần bán cổ phiếu.
3. Rủi ro chênh lệch giá
Tuy rằng các quỹ hoán đổi danh mục ETF luôn cố gắng theo sát giá của những tài sản cơ sở, nhưng việc chênh lệch giá vẫn có thể xảy ra. Tỷ suất sinh lời của việc nắm giữ chứng chỉ quỹ ETF có thể sai lệch so với danh mục chứng khoán cấu thành chỉ số tham chiếu (vì những lý do khác nhau như kỹ thuật mô phỏng chỉ số, biến động giá của các chứng khoán trong danh mục).
Nên sẽ có lúc chỉ số tăng nhiều hơn giá trị của quỹ ETF, hoặc có lúc ngược lại. Nếu đúng lúc nhà đầu tư cần thoái vốn nhưng phiên hôm đó xuất hiện sai lệch này, sẽ làm ảnh hưởng tới tài sản của nhà đầu tư.
Các quỹ ETF tại Việt Nam
Hiện tại ở Việt Nam cũng có rất nhiều quỹ ETF nội vào ETF ngoại. Các nhà đầu tư Việt Nam có thể đầu tư ở các ETF nội và giao dịch như các cổ phiếu thông thường. Sau đây là một số quỹ ETF phổ biến nhất các nhà đầu tư nên quan tâm. Các quỹ ETF nội đều được niêm yết trên sàn HOSE để nhà đầu tư có thể dễ dàng mua bán.
Quỹ FTSE Vietnam Index ETF
Đây là quỹ ETF ngoại thuộc ngân hàng Deutsche Bank AG (Đức), ETF này mô phỏng theo chỉ số FTSE Vietnam All-Share – các cổ phiếu có các tỷ số chiếm 90% giá trị vốn hóa thị trường.
Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF
Quỹ ETF ngoại này ra đời năm 2009, mô phỏng theo chỉ số MVIS Vietnam Index.
Quỹ ETF VFMVN30 (quỹ Etf vn30)
Đây là quỹ ETF nội đầu tiên tại Việt Nam được thành lập vào năm 2014 bởi Quỹ Dragon Capital. Mục tiêu của Quỹ ETF VFMVN30 là mô phỏng gần nhất có thể về biến động của chỉ số tham chiếu VN30 sau khi trừ đi chi phí của Quỹ. Nhà đầu tư có thể mua bán chứng chỉ của quỹ này thông qua mã E1VFVN30 được niêm yết trên HOSE.
ETF VFMVN Diamond
Đây là quỹ ETF nội còn rất trẻ, được cấp phép hoạt động trên sàn HoSE vào năm 2020 với 14 cổ phiếu, nhưng đã nhanh chóng là một trong những quỹ mới nhất trên thị trường. Do quỹ mô phỏng gần nhất có thể về biến động của chỉ số VN DIAMOND gồm các cổ phiếu kín room ngoại nên thu hút được rất nhiều dòng vốn ngoại đầu tư từ khi mới ra mắt. Nhà đầu tư có thể giao dịch chứng chỉ quỹ ETF diamond qua mã FUEVFVND trên HOSE.
Quỹ SSIAM ETF
Đây là quỹ ETF nội của Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) với mục đích mô phỏng chỉ số VN30. Mã niêm yết FUESSV30
Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD
Quỹ nội này được Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) công bố ra mắt vào 21/12/2019, là quỹ ETF đầu tiên mô phỏng chỉ số ngành tại Việt Nam. Quỹ này niêm yết trên HOSE với mã FUESSVFL, mô phỏng chỉ số cổ phiếu ngành tài chính Vietnam Leading Financial Index (VNFin Lead).
Quỹ nội ETF DCVFMVNMIDCAP (mã chứng khoán FUEDCMID)
Đây là là quỹ ETF đầu tiên của Việt Nam có mục tiêu đầu tư mô phỏng gần nhất biến động (performance) bộ chỉ số tham chiếu VNMIDCAP. Quỹ này được chính thức giao dịch trên HOSE vào 29/9/2022, do Dragon Capital quản lý.
Ngoài ra còn có nhiều quỹ khác như FUBON ETF, ETF VN100 mã FUEVN100, Quỹ ETF SSIAM VNX50 mã FUESSV50, Quỹ ETF KIM Growth VN30, Quỹ ETF MAFM VN30,…
Cách đầu tư vào quỹ ETF
Để đầu tư ETF cũng rất đơn giản, nhà đầu tư chỉ cần có một tài khoản chứng khoán, nạp tiền vào và đặt lệnh mua các mã ETF như các cổ phiếu thông thường. Ví dụ nếu muốn đầu tư vào quỹ ETF VN30 của Dragon Capital, nhà đầu tư lên bảng giá sàn HOSE, tìm mã E1VFVN30 và đặt lệnh mua mã này với mức giá thị trường đang hiển thị trên bảng giá. Nếu 1 tháng sau chỉ số VN30 tăng 1% thì E1VFVN30 cũng sẽ tăng xấp xỉ 1% và tài sản nhà đầu tư cũng tăng lên tương ứng.
Chiến lược đầu tư quỹ etf hợp lý nhất là theo chiến lược tích sản, tức là mỗi tháng hoặc mỗi quý hoặc mỗi năm nhà đầu tư mua ETF một lần trong thời gian rất dài. Điều này sẽ trung bình giá và hạn chế việc mua phải giá đỉnh của các đợt sóng lớn của thị trường. Vì ETF cũng như các mã cổ phiếu, dù có tính an toàn cao nhưng nếu mua phải các đợt đỉnh của thị trường chung sẽ vẫn phải chôn vốn khá lâu.
Quỹ ETF có chia cổ tức không?
Trong danh mục của các quỹ ETF khi có cổ phiếu chia cổ tức, thì tùy theo quy định của quỹ ETF đó mà cổ tức này có chia lại cho cổ đông hay được tự động tái đầu tư bằng cách mua thêm cổ phiếu. Nên tùy thuộc vào điều lệ của quỹ mà quỹ ETF đó có chia cổ tức hay không.
Thông thường các quỹ ETF ở Việt Nam sẽ thực hiện tái đầu tư cổ tức, và số cổ tức đó sẽ được điều chỉnh vào giá của chứng chỉ quỹ ETF luôn. Bởi vậy khi nhà đầu tư thực hiện bán chứng chỉ quỹ ở giá thị trường, thì giá đó đã bao gồm phần cổ tức từ các cổ phiếu riêng lẻ rồi.
Ở Mỹ vẫn có các quỹ ETF họ chia cổ tức cho cổ đông hàng năm như các cổ phiếu, thông thường tỷ lệ sẽ thấp hơn cổ phiếu riêng lẻ. Như tỷ suất cổ tức hiện tại của SPDR S&P 500 ETF vào đợt trả cổ tức 19 tháng 5 năm 2023 là 1,57%.
Sự khác nhau giữa quỹ ETF và Quỹ mở
Hiện có hai loại Quỹ đầu tư cổ phiếu phổ biến là quỹ mở và quỹ ETF, chúng ta sẽ cùng so sánh đặc điểm khác biệt của hai loại này. Để từ đó nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn tùy vào khẩu vị của mình để chọn giữa quỹ ETF và quỹ mở.
Quỹ ETF |
Quỹ mở |
|
Các quản lý |
Quản lý thụ động, thường sử dụng các thuật toán máy tính để giao dịch nhằm mô phỏng chỉ số |
Quỹ mở được quản lý chủ động bằng phân tích của con người. Chúng thường được quản lý bởi các chuyên gia nhiều kinh nghiệm. Cùng với đó, quỹ mở có thể đầu tư cả hai hình thức chủ động và thụ động. |
Giao dịch |
Chứng chỉ quỹ ETF được niêm yết trên sàn và giao dịch trên sàn như một mã cổ phiếu thông thường |
Quỹ mở không được giao dịch trên sàn chứng khoán. Nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ thông qua việc ký hợp đồng với quỹ và có thể bán lại cho quxy khi cần. |
Vốn đầu tư tối thiểu |
Không có |
Thường có mức tối thiểu tùy thuộc vào từng chính sách của quỹ theo từng thời kỳ |
Chi phí quỹ |
Sẽ mất phí quản lý nhưng rất thấp so với quỹ mở, phí này đã được tính vào giá giao dịch của mã ETF khi mua bán. Ngoài ra nhà đầu tư sẽ mất phí giao dịch và thuế như khi mua bán cổ phiếu. Thường chỉ từ 0.6-1%. |
Chi phí quản lý quỹ cao hơn so với quỹ ETF, do phải trả lương cao cho các nhà quản lý quỹ và bộ máy nhân sự phân tích chọn lọc cổ phiếu. Thường khoảng 1-2% |
Tính thanh khoản |
Thanh khoản cao do mua bán được trực tiếp trên sàn giao dịch |
Thanh khoản thấp hơn, tùy thuộc mỗi điều lệ quỹ mà nhà đầu tư có thể bán sau 6 tháng hay 1 năm nắm giữ chứ chỉ quỹ. |
Nên đầu tư vào quỹ ETF nào?
Với các đặc điểm kể trên, với nhà đầu tư ưa thích sự an toàn nhưng vẫn muốn kiếm lợi nhuận từ thị trường chứng khoán, quỹ ETF các chỉ số là sự lựa chọn hợp lý thay cho việc tự lựa chọn các cổ phiếu riêng lẻ. Nhà đầu tư nên ưu tiên đầu tư các ETF thanh khoản cao để việc mua bán diễn ra dễ dàng nhanh chóng và tránh sai lệch chênh giá trong quá trình chốt lời ETF.
Hiện ở Việt Nam 2 quỹ có thanh khoản giao dịch mua bán lớn nhất là quỹ ETF của Dragon Capital: Quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND (mã FUEVFVND) và Quỹ ETF DCVFMVN30 (mã E1VFVN30). 2 quỹ ETF này cũng mô phỏng 2 chỉ số lớn của Việt Nam là VN30 và VN Diamond, đây đều là rổ chỉ số gồm các blue chip vốn hóa lớn, doanh nghiệp đầu ngành nên việc đầu tư vào rổ các cổ phiếu này cũng an toàn và bám sát các biến động của thị trường chứng khoán.
Còn trong 2 ETF mô phỏng VN30 và VNDIAMOND, chỉ số VNDIAMOND thường biến động với biên độ cao hơn so với VN30, nên lợi nhuận hoặc rủi ro cũng cao hơn một chút (tuy nhiên độ an toàn vẫn cao hơn so với cổ phiếu riêng lẻ). Nên nếu nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro để hưởng lợi nhuận cao hơn có thể ưu tiên đầu tư FUEVFVND, còn nhà đầu tư nào muốn sự an toàn hơn có thể lựa chọn E1VFVN30.
Như vậy chúng ta đã cùng đi sâu tìm hiểu về các quỹ ETF và cách đầu tư ETF, từ đó các nhà đầu tư có thể cân nhắc sở hữu cho mình một loại tài sản trong quá trình đầu tư chứng khoán của mình. Mong rằng những chia sẻ của bài viết này giúp các bạn lựa chọn cho mình được quỹ ETF phù hợp để mua tích sản theo chiến lược dài hạn.