Tuần này thị trường đã đi theo đúng kịch bản bật tăng hồi phục khi chạm hỗ trợ mà Đầu Tư Số đã chia sẻ ở tuần trước. Chỉ số vnindex đã quay trở lại khu vực 1280 một cách nhanh chóng. Chúng ta hãy cùng điểm lại một số điểm nhấn trong tuần giao dịch vừa qua và Đầu tư số sẽ đưa ra một số nhận định thị trường chứng khoán trong tuần giao dịch tiếp theo từ 08/07-12/07/2024 để bạn đọc tham khảo.
Điểm tin tức trong tuần 01/07-05/07/2024
Trước tiên chúng ta cùng điểm qua một số tin tức ảnh hướng tới thị trường Chứng khoán trong tuần này. Trong tuần có một vài tin tức tích cực giúp dòng tiền mạnh dạn hơn trong việc bắt đáy. Ngoài ra các tin tức tốt cũng khiến NĐT không bị hoảng sợ lo lắng mà tiếp tục bán cổ phiếu như tuần trước đó. Điểm qua một số tin nhanh quan trọng đáng chú ý trong tuần với nhà đầu tư:
- Lãnh đạo UBCKNN: Hoạt động bán ròng của khối ngoại được theo dõi sát sao nhưng chưa đáng lo ngại: Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam dao động khoảng 46 - 49 tỷ USD, vẫn chiếm hơn 16% tổng vốn hóa thị trường. Phía cơ quan quản lý vẫn theo dõi sát câu chuyện bán ròng, rút vốn của khối ngoại nhưng chưa thấy đáng lo ngại.
- Thị phần môi giới HOSE quý II/2024: VPS đi xuống, KIS Việt Nam thế chỗ FPTS: Dữ liệu được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa công bố cho thấy thị phần môi giới của đơn vị dẫn đầu sàn này là VPS giảm sâu trong quý vừa qua.
- Việt Nam có hơn 8 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán: Tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam tại cuối tháng 6 đạt 8,04 triệu đơn vị.
- Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 206,000 việc làm trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.1%: Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm nhiều việc làm hơn một chút so với dự kiến trong tháng 6, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên.
- Nhóm quỹ Hàn Quốc trở thành cổ đông lớn tại Long Hậu: Nhóm thành viên của Quản lý quỹ KIM Việt Nam (KIM Vietnam Fund Management) báo cáo trở thành cổ đông lớn tại CTCP Long Hậu (Mã: LHG) từ ngày 3/7.
- Chứng khoán thế giới đua nhau lập đỉnh, Topix của Nhật Bản vượt mốc 41,000 điểm: Hàng loạt chỉ số chứng khoán lập đỉnh mới trong ngày 05/07 khi giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm của Mỹ - vốn có thể ảnh hưởng tới lộ trình lãi suất của Fed.
- 105 thành phố, thị xã không được phân lô, bán nền từ 1/8: Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8, không cho phân lô, bán nền tại 105 thành phố, thị xã, tăng 81 địa phương so với quy định hiện hành.
- 6 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã đạt mức giải ngân cao và đang nỗ lực đưa nhiều dự án cao tốc 'về đích' sớm: Một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có khả năng hoàn thành sớm hơn kế hoạch từ 3 - 6 tháng, thậm chí có thể là 8 tháng; Hai dự án cuối cùng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã được khởi công, cụ thể hóa mục tiêu nối thông toàn tuyến vào năm 2025; Bộ GTVT tiếp tục là một trong số bộ, ngành có mức giải ngân vốn đầu tư công cao trong cả nước…
- Lãnh đạo UBCKNN cập nhật tiến độ của thông tư cởi nút thắt nâng hạng thị trường: Tại Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” tổ chức ngày 02/07, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cập nhật tiến độ việc sửa đổi Thông tư liên quan đến các quy định giao dịch, hoạt động giao dịch chứng khoán.
Diễn biến tuần Giao dịch 01/07-05/07/2024
Thị trường có 1 cây nến xanh tăng điểm từ ngay ngày thứ 2 và vượt lại nằm trên đường MA100 quan trọng. Với cây nến này tăng vượt một nửa cây nến thứ 6, đã là 1 tín hiệu tích cực mở đầu cho tuần mới khi phe mua trở lại. Tuy vậy thanh khoản vẫn còn khá thấp.
Phiên thứ 3 thị trường tiếp tục bật tăng mạnh mẽ mở gap ngay từ buổi sáng và vượt lại MA50. Dòng tiền vẫn không vào mạnh nhưng do lực cung không còn nên điểm số được các trụ kéo rất nhanh và mạnh. Kết phiên đã tạo 1 cây nến xanh thân dài thể hiện sự chiếm ưu thế hoàn toàn của phe mua.
Phiên thứ 4 thị trường có đợt tăng mở gap sau đó test lại gap ngay trong phiên. Đây cho thấy 1 sự suy yếu nhẹ, có thể là lực chốt lời của các NĐT đã xuất hiện dần khi bắt đáy thành công. Tuy vậy thị trường chỉ rung lắc nhưng kết phiên phe mua vẫn kéo giá đóng cửa xanh và nằm trên MA20. Thanh khoản vẫn duy trì khá thấp trong phiên này cho thấy cũng chưa có sự quyết tâm lắm của dòng tiền lớn. Thị trường tăng do cung quá yếu.
Thứ 5 đà tăng đã chậm đi khá nhiều khi chỉ tạo 1 nến doji, nhưng dù sao cũng tích cực vì nằm trên đường MA20, đồng thời kéo EMA10 cong lên từ giai đoạn giảm. 1 Cây doji thể hiện sự lưỡng lự và lực bán xuất hiện nhiều hơn khi vnindex tiến tới vùng cản của cây nến đỏ mạnh hôm 24/06. Ở khu vực này khá nhiều NĐT vẫn còn bị kẹt ở trên nên khi giá quay lại sẽ có xu hướng bán do đã hòa vốn. Bởi vậy tạo ra lực cung ở vùng này.
Thứ 6 cuối tuần thị trường vẫn duy trì sắc xanh mặc dù đã có sự rung lắc nhiều hơn khi thị trường bị nhúng đỏ vào cuối phiên sáng và giữa phiên chiều. Tuy vậy đóng nến vẫn nằm trên tất cả các đường trung bình động và tạo ra 5 phiên xanh điểm liên tiếp.
Kết tuần giao dịch chứng khoán 01/07-05/07/2024, chỉ số VNINDEX đóng nền tuần ở 1283.04 điểm, tăng 37.72 điểm (+3.03%). Mức điểm số ngày thứ 6 tăng 3.15 điểm (+0.25%) so với ngày thứ 5. Thanh khoản tuần này thấp hơn bình quân 20 phiên ở chart tuần, tiếp tục thấp hơn 2 tuần trước đó. Hiện tại cho thấy thị trường tăng nhưng lên trong nghi ngờ và các trụ luân phiên kéo điểm. Không có sự ồ ạt đồng thuận hay dòng tiền lớn trở lại mạnh.
Trong phiên cuối tuần, độ rộng trên HOSE nghiêng về chiều giảm với 231 mã đỏ và 182 mã xanh. Trong đó trên cả 3 sàn có 36 mã trần và 31 mã sàn. Trong phiên giao dịch cuối tuần các cổ phiếu VRE SAB POW tạo áp lực tới điểm số, tuy nhiên FPT CTG VNM MWG đã tăng tốt để cân lại giúp điểm số đóng cửa xanh nhẹ. Trong cả tuần luôn có sự xoay tua nâng đỡ lần lượt từ các trụ, bởi vậy thị trường liên tục 5 phiên đều xanh điểm khi hết ATC. Khối ngoại thứ 6 bán ròng hơn 372.86 tỷ trên HOSE, tập trung vào FPT, VRE, HPG , VHM.
Tuần này VN30 nhanh chóng có sự phục hồi lấy lại toàn bộ các đường trung bình động đã gãy của tuần trước. Khi chạm hỗ trợ có vẻ lực bán đã cạn kiệt nên lực mua chỉ cần thanh khoản thấp cũng đủ để kéo giá bật trở lại. Ngược hẳn với tuần trước, tuần này lực mua chiếm ưu thế hoàn toàn trong cả tuần. Mặc dù có những đợt bán khi về cản cũ và bán chốt lời t+, nhưng đều là bán yếu chưa đủ để xoay chuyển cả 1 xu hướng tăng của tuần. Trong tuần việc vn30 tăng không có 1 trở ngại nào ở các đường MA là do sự xoay tua của từng trụ. Mặc dù không có sự đồng thuận mạnh nhưng mỗi phiên đều có 1 số trụ bật tăng kéo điểm số. Khiến lực short trên Phái sinh cũng e dè rất nhiều vì không có sự hoảng loạn. Mặc dù hiện tại khối ngoại vẫn bán trụ, và các mã vn30 không có sự dẫn dắt đồng thuận; nhưng dù sao cũng cho thấy thị trường vẫn chỉ đang cân bằng và xóa bỏ xu hướng giảm ngắn hạn.
Nhận định thị trường Chứng khoán tuần 08/07-12/07/2024
Trước diễn biến gần đây của thị trường chứng khoán Việt Nam, vận dụng kiến thức kỹ thuật và nguồn thông tin có chọn lọc, Đầu Tư số xin đưa ra nhận định thị trường Chứng khoán tuần đầu đầu tiên của tháng 7 từ 08/07-12/07 kết hợp các thông tin trong nước và quốc tế, giúp nhà đầu tư có góc nhìn chính xác và hướng đầu tư hiệu quả.
Nhận định kỹ thuật
Trong tuần này thị trường đã bật tăng trở lại khi chạm hỗ trợ mây ichi xanh như kế hoạch dự kiến của chúng ta. Lực bật tăng cũng khá nhanh không gặp nhiều trở ngại gì khi phủ được 2 nến đỏ 24/06 và 28/06. Điều này cho thấy có lượng NĐT đã thoát ra sớm nên không còn cản quá nhiều ở vùng này. Mặc dù vẫn có lực bán nhưng khá yếu nên cả 5 phiên thị trường đều có sắc xanh. Lực hồi của thị trường không thu hút được dòng tiền lớn, thanh khoản vẫn duy trì nhỏ dưới bình quân 20 phiên. Tuy vậy cũng đã kéo thị trường trở lại xu hướng đi ngang trước đó chứ không bị sập gãy tiêu cực.
Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm của tuần trước, đó là đầu tháng 7 là giai đoạn tạo đáy của thị trường. Và điều đó đã và đang xảy ra, tuy vậy do thị trường tạo đáy bật lên quá nhanh nên sự phân hóa vẫn còn nhiều. Tức là chưa xảy ra hiện tượng bán tháo hoảng loạn, thì lúc bật lên thị trường sẽ duy trì phân hóa y như giai đoạn tháng 5 tháng 6 trước đó. Điều này tạo nên sự khó chịu mặc dù điểm số tăng nhưng NĐT chưa chắc có lãi nhiều.
Nhìn thị trường đã tăng 5 phiên liên tục nhưng thanh khoản vẫn thấp, bởi vậy tuần sau có thể có 1 cú nhúng để thu hút thêm lượng cầu vào. Đồng thời kiểm định lại lượng tiền bên ngoài còn theo dõi thị trường để bắt đáy hay không? Nếu không còn cầu mới chúng ta sẽ phải làm quen với giai đoạn thanh khoản dưới 20 ngàn tỷ. Và tiền ít thì sẽ không có sóng to mà sóng phân hóa tùy từng dòng. Chỉ khi có dòng tiền lớn trở lại mới kéo được các đại sóng 3-4 tháng trở lên và tăng toàn thị trường và đem lại các khoản lãi nhanh và mạnh cho NĐT.
Hiện MACD lại cắt lên đường tín hiệu, RSI cũng vượt lại 50 nên cho thấy lực cầu cũng trở lại, tuy nhiên chưa mạnh mẽ lắm. StochRSI cũng ủng hộ đợt hồi từ tuần trước, vậy nên tuần này cũng đã bật tăng lại tới gần mức 100. NĐT chú ý nếu StochRSI liên tục ở vùng 99-100 trong liên tiếp 4-5 phiên thường có 1 nhịp điều chỉnh giảm sau đó mới tiếp tục tăng. Khối ngoại vẫn duy trì bán ròng nhưng đã ít hơn nhiều so với các tuần trước đó.
Xu thế lớn hiện vẫn duy trì được xu thế tăng, nhưng lực tăng yếu. Bởi vậy mặc dù đã có thể giải ngân cổ phiếu nhưng vẫn cần đề phòng vào chọn lựa cổ phiếu thật kỹ. Khu vực quanh 1240 đã là đáy đầu tiên của thị trường như dự kiến, các NĐT đã có thể chờ cơ hội để tìm mua cổ phiếu giải ngân trở lại. Sự phân hóa vẫn còn rất mạnh bởi vậy sự xoay tua các cổ phiếu tăng lần lượt, nên vẫn ưu tiên lướt sóng hơn ở giai đoạn này.
Nhận định vĩ mô
Cuối tuần tỷ giá đã hạ nhiệt giảm đột biến, hi vọng sẽ tạo ra sự tích cực để khối ngoại tiếp tục giảm bán ròng trong thời gian tới. Từ đó đà tăng của các NĐT nội mua sẽ bớt bị cản trở hơn. Trong tuần tới sẽ có thêm các thông tin về báo cáo tài chính quý 2, chúng ta chờ đợi hình kinh doanh của các nhóm ngành lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép, BĐS. Các thông tin này thường sẽ có ảnh hưởng lớn tới dòng tiền bên ngoài có trở lại thị trường hay không. Nếu các cổ phiếu có triển vọng KQKD tốt thì khả năng sẽ có sóng và thu hút tiền trở lại. Còn sự phân hóa xu hướng tăng, giảm của giá các cổ phiếu sẽ diễn ra nếu KQKD cũng phân hóa theo từng nhóm ngành và từng doanh nghiệp.
Cuối tháng 7 này sẽ có cuộc họp của FED, tuy vậy hiện tại chưa có thông tin gì về việc FED sẽ cắt giảm lãi suất hay chưa trong thời điểm hiện tại. Chúng ta cùng chờ đợi thêm các thông tin, Đầu Tư Số sẽ cập nhật tới các bạn trong các bài nhận định tuần tới. Nếu FED giảm lãi suất, khả năng sẽ tạo ra 1 đợt tăng giá tích cực cho các thị trường tài chính thế giới cũng như Việt Nam.
Khuyến nghị Cổ phiếu tuần 08/07-12/07/2024
Hiện tại xu hướng giảm đã bị phủ nhận khi 2 cây nến đỏ gần nhất bị phủ. Bởi vậy thị trường đã trở lại khu vực sideway đi ngang và phân hóa rõ ràng như tháng 5 và tháng 6. Giai đoạn này vẫn khá khó tham gia vì có mã tăng mã giảm chứ không đồng thuận tăng cả ngành. Nếu có mẫu hình 2 đáy và trước đó có phiên washout thanh khoản cao sẽ là đáng tin cậy để giải ngân mạnh, còn nếu không sẽ phù hợp lướt sóng với tỷ trọng 50% cổ phiếu.
Dựa trên các chỉ báo kỹ thuật và nhận định biến động của thị trường cùng thông tin nội bộ, chúng tôi xin đưa ra khuyến nghị một số cổ phiếu nhạy sóng NĐT có thể theo dõi diễn biến để canh mua dần nếu vnindex có đợt chỉnh mạnh sau đó bật tăng trở lại.
TIG HPG HSG ANV KDH
Tỷ trọng khuyến nghị 50% cổ phiếu/ 50% tiền mặt
Ngoài xu hướng thị trường, Nhà đầu tư có thể kết hợp thêm các thông tin doanh nghiệp kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật đưa ra nhận định phân tích hiệu quả hơn.
Trên đây là tổng kết giao dịch chứng khoán tuần giao dịch tuần đầu tiên của tháng 7 và nhận định thị trường chứng khoán cho tuần tiếp theo tiếp theo. Chúng tôi hi vọng các thông tin có thể giúp ích cho NĐT trong quá trình phân tích và đầu tư cổ phiếu. Nếu bạn gặp khó khăn hoặc cần tư vấn thêm đừng ngại để lại liên hệ với Đầu Tư Số để được giải đáp những thắc mắc và tư vấn đầu tư hoàn toàn miễn phí. Đừng quên nhấn Like, Share và truy cập Website mỗi ngày để cập nhật thêm các thông tin hữu ích khác về đầu tư chứng khoán bạn nhé
Ghi chú:
- NĐT: Nhà đầu tư
- BĐS: Bất động sản
- CK: Chứng khoán
- ĐTC: Đầu tư công
- BĐS KCN: Bất động sản khu công nghiệp
- NHNN: Ngân hàng nhà nước